Theo nguồn tin từ Cục Viễn thông, tổng số thuê bao di động ở Việt Nam đã đạt hơn 130 triệu. Việt Nam được đánh giá là nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao nhất thế giới.
Nhưng nghiêm trọng hơn là việc nước ta xuất hiện nhiều đối tượng dùng SIM di động để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, tống tiền, nhắn tin, quấy rối, lừa đảo.
Vì vậy, việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định sẽ tạo điều kiện để các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc có cơ sở dữ liệu người dùng cũng tạo nền tảng cho hoạt động của kinh tế số, kinh tế trên mạng, đặc biệt là phát triển các dịch vụ mới như Mobile Money, cấp mã số định danh điện tử.
Sử dụng SIM không chính chủ là hành vi vi phạm pháp luật. |
Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã có nhiều hoạt động tăng cường quản lý thông tin thuê bao và ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.855.849 thuê bao di động trả trước bị cắt do không đủ thông tin thuê bao, thuê bao kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
Theo Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Bộ TT&TT đã xử phạt 4 doanh nghiệp gồm: Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao.
Mới đây, Bộ TT&TT đã có văn bản chấn chỉnh các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel Mobile, Vietnamobile về tình trạng mua bán tràn lan SIM rác, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, ổn định, an toàn xã hội.
Người dùng SIM không chính chủ có thể bị phạt hành chính 500.000 đồng. |
Bộ TT&TT yêu cầu Chủ tịch và Tổng Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương chỉ đạo, nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm khi để xảy ra tình trạng bán tràn lan SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin và kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường trong một thời gian dài.
Bên cạnh việc yêu cầu nhà mạng, đại lý bán SIM thẻ phải tăng cường trách nhiệm quản lý và ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn trên thị trường, về phía người sử dụng di động cũng cần có trách nhiệm khi sử dụng SIM.
Theo Cục Viễn thông các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho người khác mà không thực hiện thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, ký kết điều kiện giao dịch với nhà mạng được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính lên đến 500.000 đồng.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, điều 2, Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) đăng ký SIM sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động, cá nhân hay tổ chức đứng tên phải có trách nhiệm giải trình và chứng minh mình vô can khi cơ quan chức năng yêu cầu. Thậm chí, chủ SIM phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới nếu như hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.
Để chấm dứt tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn cần có sự hưởng ứng tham gia của người dân, tổ chức trong xã hội. Đặc biệt, người dân cần nhận thức được việc chỉ sử dụng SIM thuê bao chính chủ đúng mục đích, không tham gia mua bán SIM kích hoạt sẵn, không cho các cá nhân khác mượn, sử dụng giấy tờ của mình để đăng ký thông tin thuê bao, thực hiện các thủ tục về giao kết theo đúng quy định của nhà mạng khi mua bán, chuyển nhượng SIM.
Bên cạnh đó, khách hàng sử dụng SIM không chính chủ còn có nguy cơ: Bị mất số thuê bao, không nhận được sự hỗ trợ của nhà mạng. Trong tương lai, người dùng có thể không nhận được các ưu đãi của nhà mạng, không được sử dụng các dịch vụ gia tăng tiện ích như Mobile Money, định danh điện tử. Ngoài ra, người dùng SIM không chính chủ có thể bị cắt liên lạc, thậm chí cắt dịch vụ.
Để đảm bảo quyền lợi của chính bản thân, người dùng di động cần kiểm tra thông tin thuê bao bằng cách nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi tới số 1414. Nếu thông tin chưa chính xác cần cập nhật lại và giao kết lại hợp đồng theo đúng quy định.