Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học.
Vừa qua, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm ở các trường học.
Bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ quản lý nhà trường, thường xuyên mở lớp tập huấn và kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại các bếp ăn tập thể; các ngành chức năng cũng kịp thời xử lý các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe học sinh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn cho học sinh tại một trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Ảnh: Lưu Thu |
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã kiểm tra, giám sát 26 trường tiểu học trên địa bàn huyện, trong đó có 1 trường tự nấu, 25 trường còn lại hợp đồng với công ty thực phẩm chế biến chuyên cung cấp suất ăn cho học sinh trường học.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các trường đã thành lập tổ giám sát thực phẩm bếp ăn bán trú, có giấy chứng nhận cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, người tham gia chế biến, nấu ăn tại các bếp ăn tập thể trường học, có hợp đồng cung cấp nguyên liệu thực phẩm. Khu vực bếp ăn của nhà trường sạch sẽ, trang bị đầy đủ trang thiết bị như: Tủ sấy tiệt trùng dụng cụ, bát đĩa; kệ giá, khay đựng thực phẩm; nhân viên chế biến được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ…
Ngoài ra, hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn đều đáp ứng đầy đủ; người tham gia chế biến được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. 100% số trường đủ sổ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu ghi đúng quy định.
Tuy nhiên, tại một số trường, công tác ghi chép vào sổ lưu mẫu chưa đầy đủ cột mục theo quy định (Tiểu học Thị trấn A, Tiểu học Sài Sơn A). Một số trường chưa xây dựng bố trí khu tiếp nhận, bảo quản thực phẩm, chưa xây dựng được hệ thống nhà ăn cho học sinh; việc thực hiện kiểm tra, giám sát của nhà trường còn hạn chế, chưa thường xuyên, còn mang tính chất hình thức và định kỳ. Ban phụ huynh học sinh tại các trường chưa thực hiện kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện sai sót...
Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường khắc phục ngay tồn tại qua giám sát, thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể tiểu học trên địa bàn; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện kiểm tra liên ngành đột xuất đối với bếp ăn; đề xuất xử lý nếu bếp ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Đối với các trường mua suất ăn sẵn, chưa có khu tiếp nhận thực phẩm, cần bố trí phòng tiếp nhận thực phẩm đúng quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trường học khối tiểu học, hai yếu tố tiên quyết cần đặc biệt quan tâm, đó là: Nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến. Do đó, bên cạnh việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm có xuất xứ rõ ràng, tươi ngon… các trường cần đặc biệt quan tâm, giám sát quy trình chế biến thức ăn; không để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh ở mức độ cao nhất…
Huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng đã chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh từ mầm non đến THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đầu năm học mới đến nay, cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai đã đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm.
Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai Lê Văn Bắc cho biết, toàn huyện có 130 cơ sở giáo dục, bao gồm 83 trường học và 46 cơ sở giáo dục độc lập; trong đó, 103 cơ sở có tổ chức ăn bán trú với hình thức bếp ăn tập thể và hợp đồng suất ăn sẵn. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận các trường đã có quy trình tiếp nhận thực phẩm đầu vào, kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho nhân viên chế biến thực phẩm.
Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn bán trú. Tại đây, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã hướng dẫn quy định về khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; về vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ; cách sử dụng và bảo quản thực phẩm…
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được đẩy mạnh. Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học được nâng cao hơn. Đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, có những bếp ăn vẫn còn một số tồn tại như: Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng; chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định… Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng; người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, vừa qua các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và kiến thức thực hành cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm...
>>> Mời độc giả xem thêm video Sử dụng thực phẩm hút chân không như thế nào là an toàn?