Sau 3 năm Hà Nội ra quân xử lý, giành lại vỉa hè lòng đường, mọi thứ dường như đã trở lại như cũ. Xe đỗ tràn lan quanh những nhà hàng, quán nhậu. Thậm chí những bậc tam cấp trước đây bị lực lượng chức năng phá dỡ cũng đã đều được xây lại bằng bê tông chắc chắn...
“Ðặc cách” cho siêu xe
Gần 1 năm nay đi qua tuyến đường Điện Biên Phủ (Ba Đình) người ta được chiêm ngưỡng 2 chiếc siêu xe để chễm chệ trên vỉa hè: 1 chiếc Lamborghini màu xanh da trời và 1 chiếc Ferrari màu đỏ. Cả 2 chiếc xe này thường xuyên đỗ trên vỉa hè trước cửa hàng bán đồng hồ cao cấp số 13 Điện Biên Phủ.
Phố Điện Biên Phủ là tuyến đường chính nối từ trung tâm Hoàn Kiếm lên trung tâm chính trị quận Ba Đình (trụ sở Chính phủ, tòa nhà Quốc hội, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…); Vị trí này còn nằm đối diện trụ sở Công an phường Điện Biên, thế nhưng việc đỗ xe chiếm dụng vỉa hè cứ thế tồn tại trong nhiều năm như thách thức dư luận.
Siêu xe ngang nhiên đỗ trên vỉa hè phố Điện Biên Phủ cả năm qua |
Chưa kể, nhà hàng này thường xuyên để bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi. Cách đó chưa đến 200m là bốt Cảnh sát giao thông, nơi thường xuyên có cán bộ để xử lý các phương tiện vi phạm Luật Giao thông.
Về 2 siêu xe trên vỉa hè, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết, phường thường xuyên kiểm tra, xử lý trật tự đô thị trên địa bàn. Ông Trung thừa nhận, chủ hai chiếc xe này đã bị xử phạt rất nhiều lần, tới đây sẽ tiếp tục cho xử lý dứt điểm (?).
Chiều 18/2, PV Tiền Phong liên hệ qua điện thoại với ông Chủ tịch phường, vị này cho biết ngay sau phản ánh của PV, phường đã xử lý vi phạm này, hiện tại không còn xe đỗ. Cùng lúc này, PV đang có mặt tại 13 Điện Biên Phủ, kết quả là cả 2 chiếc “siêu xe” vẫn đỗ ngang nhiên trên vỉa hè không như lời ông Chủ tịch phường nói.
Xử lý nửa vời
Chỉ còn vài ngày nữa là tròn 3 năm kể từ khi lực lượng chức năng cấp quận, phường ở Hà Nội đồng loạt ra quân bảo đảm trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, việc chiếm cứ lòng đường vỉa hè không thua kém 3 năm về trước, đặc biệt là việc đỗ xe tại các hàng quán. Trên các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa... PV Tiền Phong ghi nhận nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Trong đó, nhiều điểm đã từng bị báo chí phản ánh nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Đơn cử, một nhà hàng bia hơi Vân Bảo Khánh trên phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), thường xuyên có các xe ô tô đỗ ngược đường. Có thời điểm, 5- 6 xe ô tô nối đuôi nhau đỗ ngược chiều, một nửa thân xe gác lên vỉa hè, một nửa dưới hè.
Tại đường Xã Đàn (quận Đống Đa), 3 năm trước, liên ngành rầm rộ ra quân, sử dụng cả máy xúc, máy khoan bê tông để phá những bậc tam cấp cho chiến dịch “giành lại vỉa hè”. Đến thời điểm này, hàng loạt bậc tam cấp mới, có nơi nhỏ hơn thềm ban đầu, nhưng tất cả đã được bê tông hóa kiên cố.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, có thể thấy cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại các đô thị lớn không hề đơn giản. Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị có nhiều bất cập dẫn tới nhu cầu giao thông (kể cả mặt đường và đỗ xe) vượt quá nhiều lần so với khả năng đáp ứng của khu vực trung tâm đô thị.
Bãi xe lậu khu Tây Nam Linh Đàm - Hoàng Mai - Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh |
Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo nên những hành lang đi bộ liên tục với màu gạch đặc thù ở chiều rộng nhất định, ít nhất tầm 1,5 (khu phố hẹp) - 3 m (với khu phố rộng), bất cứ phương tiện nào đỗ vào đây đều có thể bị xử phạt.
“Nếu không tái cấu trúc không gian để bảo đảm tỷ lệ hài hòa giữa mặt đường, không gian đỗ xe, đi bộ và không gian làm ăn buôn bán của người dân thì cuộc chiến giành vỉa hè sẽ như một cuộc rượt đuổi không có hồi kết”, ông Minh nói.
KTS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc thiết lập trật tự vỉa hè muốn giải quyết một cách căn cơ, đòi hỏi phải chú trọng rất nhiều từ khâu tổ chức, quy hoạch và quản lý gắn với quyền lợi của người dân.
Vi phạm lấn chiếm vỉa hè một phần do ý thức người dân, một phần khác cũng là do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, thậm chí cả nể trong xử lý vi phạm. “Nếu xử lý không công bằng, dẫn đến người có ý thức cũng vi phạm, trở thành thiếu ý thức chung”, vị KTS nói. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên và phạt rất nặng đối với sai phạm chứ không để sai phạm bùng phát rồi ra quân xử lý từng đợt như cách mà các địa phương đang làm như hiện nay.
Trước đó, tại hội nghị Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ngày 4/3/2017, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh Hà Nội sẽ không ra quân rầm rộ mà làm bền vững để người dân không tái lấn chiếm, để họ thấy có ý thức với thủ đô, không lấn chiếm vỉa hè, không vứt rác ra đường. Ông Chung có nhắc lại: “Ngày tôi làm giám đốc, tôi thống kê hơn 180 quán bia trên vỉa hè thì có hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau. Chỉ cần quán triệt các ông công an thôi là trật tự hết”.