Phương pháp gây tê đám rối thần kinh cánh tay (GTĐRTKCT) dưới hướng dẫn của siêu âm chính xác, an toàn, ít ảnh hưởng tới chức năng sinh lý và tránh các biến chứng đáng sợ do gây tê mò.
Gây tê mò dễ liệt thần kinh, suy hô hấp, tràn máu màng phổi
ThS Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, phẫu thuật cẳng bàn tay chiếm một tỷ lệ khá lớn chiếm (30 - 40%) trong số các loại phẫu thuật. Để phẫu thuật, phương pháp vô cảm thường được lựa chọn là GTĐRTKCT. Đây là một kỹ thuật đơn giản, dễ làm, ít độc hại, ít ảnh hưởng tới chức năng sinh lý của bệnh nhân, việc theo dõi, chăm sóc trong và sau mổ nhẹ nhàng, giảm đau sau mổ tốt, chi phí thấp, tuy nhiên tỷ lệ thất bại do không phong bế hoàn toàn đám rối thần kinh còn cao nên bệnh nhân vẫn đau khi phẫu thuật.
Gây tê đám rối thần kinh cánh tay sẽ an toàn, ít ảnh hưởng tới chức năng sinh lý và tránh các biến chứng đáng sợ do gây tê mò. |
TS Nguyễn Thị Minh Lý, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho hay, có nhiều phương pháp để GTĐRTKCT gồm: Đường nách, đường trên xương đòn, đường dưới xương đòn và đường liên cơ bậc thang. Kỹ thuật GTĐRTKCT đường liên cơ bậc thang có những ưu điểm mà các kỹ thuật gây tê khác không có được, đó là phạm vi vô cảm rộng. Tuy vậy, kỹ thuật này vẫn ít được áp dụng vì sợ các tai biến nguy hiểm. Bởi trước đây, GTĐRTKCT thường sử dụng “kỹ thuật chọc mò” dựa vào mốc giải phẫu và kinh nghiệm của bác sĩ và gây tê bằng máy kích thích thần kinh cơ. Tuy nhiên, về bản chất gây tê bằng máy kích thích thần kinh cơ vẫn là chọc mò theo mốc giải phẫu, không rõ đường đi và đích đến của kim gây tê, nên hiệu quả không cao và dễ xảy ra biến chứng như xuyên vào mạch máu, thần kinh, chọc vào đỉnh phổi, liệt cơ hoành, tràn khí, tràn máu màng phổi và tai biến đáng sợ nhất là chọc vào tủy sống cổ bệnh nhân có thể tử vong...
Đảm bảo kết xương từ 3 – 4h và ít biến chứng
TS Nguyễn Minh Lý cho biết, GTĐRTK dưới hướng dẫn của siêu âm là một kỹ thuật mới chưa được ứng dụng rộng rãi. Nhờ ứng dụng máy siêu âm nên cho phép nhìn rõ cấu trúc thần kinh mạch máu trong ĐRTHCT và các tổ chức lân cận, nên đưa kim vào trong bao thần kinh gây tê chính xác, đảm bảo mức độ gây tê tốt và tránh được các tai biến cũng như các tác dụng không mong muốn.
Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hà, phẫu thuật nhờ GTĐRTKCT tránh cho các bệnh nhân gặp phải các biến chứng của gây mê. Khi tiến hành bệnh nhân nằm ngửa, hai tay duỗi thẳng và khép theo trục thân thẳng người, bàn tay ngửa, đầu quay về bên đối diện, kê một gối mỏng dưới vai để cổ hơi ưỡn, sát trùng da và chuẩn bị đầu do siêu âm. Đầu dò siêu âm sau khi bôi gen được bọc trong một găng tay vô khuẩn, đặt ở cổ bệnh nhân ngang mức sụn nhãn. Từ mặt cắt này quan sát trên màn hình siêu âm sẽ thấy: tuyến giáp, động mạch cảnh trong và hai bó cơ, cơ bậc thang trước và cơ bậc thang giữa, nằm giữa hai bó cơ này là ĐRTKCT. Do nhìn rõ cấu trúc thần kinh, mạch máu trong bao ĐRTKCT và các tổ chức lân cận nên đưa kim vào trong bao thần kinh gây tê chính xác. Bệnh nhân bắt đầu mất cảm giác đau sau 15 – 20 phút và kéo dài 306,3 +- 45,5 phút trong khi thời gian mổ trung bình là 145,4 +- 40,3 phút. Thời gian mất cảm giác dài hơn nhiều so với phẫu thuật nên việc phong bế cảm giác hoàn toàn đảm bảo tốt cho phẫu thuật, nhất là các loại phẫu thuật ghép xương. Đặc biệt, tỷ lệ vô cảm tốt đạt 94% so với máy kích thích thần kinh chỉ đạt 91%. Hơn nữa, phương pháp này không ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp và độ bão hòa oxy. Tỷ lệ tai biến và biến chứng thấp, không gặp phải tình trạng chọc kim và tiêm thuốc tê vào khoang màng cứng, khoang dưới nhện, chọc kim vào đỉnh phổi, dị ứng, ngộ độc thuốc tê...
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):