Cũng như FPT, dàn lãnh đạo Tập đoàn Viettel luôn được đánh giá là tài năng và trẻ trung. Không lâu sau khi Phó Tổng giám đốc Viettel tạo sốt với ca khúc "Lạc trôi", các sếp Viettel khác lại gây ấn tượng trên đất nghèo châu Phi.
Trước khi đến Kilimanjaro - nơi có đỉnh núi độc lập cao nhất thế giới ở Tanzania, Nguyễn Ngọc Hoành, Hoàng Trung Phong và nhiều người Việt Nam khác thuộc Tập đoàn Viettel đã nhìn thấy được tiềm năng ở nơi này. Tỉnh nghèo của quốc gia Đông Phi có diện tích rộng, hơn 50% là đồi núi. Các hãng viễn thông trước đó đã bỏ qua nhiều ngôi làng ở đây vì cư dân nghèo, lại sống thưa thớt.
Nguyễn Ngọc Hoành là một trong những người Việt đầu tiên mang khát vọng đổi mới bộ mặt ngành viễn thông ở nước Đông Phi. |
Khi đặt chân xuống Kilimanjaro nhận nhiệm vụ Giám đốc chi nhánh Halotel (tên thương hiệu của Viettel tại Tanzania), Nguyễn Ngọc Hoành gọi hoàn cảnh lúc đó là “5 không”. Cụ thể là không biết tiếng bản ngữ, không có trụ sở, không nơi ở, không nhân viên, không nơi đặt trạm thu phát sóng.
“Đặt chân xuống đất khách quê người, cảm giác đầu tiên là mất định hướng tạm thời, cái cảm giác rất khó tả”, anh Hoành thừa nhận. Tuy vậy, anh và đồng nghiệp tự nhủ phải cố gắng vì niềm tin của người dân nơi đây dành cho công ty Việt Nam.
Sự kỳ vọng của người Tanzania
Năm 2010, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Tanzania - Mizenco Peter Pinda đề nghị đến thăm doanh nghiệp đặc biệt mà lãnh đạo Mozambique từng ca ngợi. Đó là Viettel.
Vị thủ tướng muốn hiểu hơn về sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam. Ông cũng đặt vấn đề mời Viettel trở thành nhà đầu tư. “Tôi đã làm các bước quan trọng nhất để tìm một công ty thúc đẩy sự phát triển dịch vụ viễn thông cho đất nước mình. Để làm điều đó thì không có ai thích hợp hơn Viettel”, Mizenco nói.
Trước đó, dù có những nhà cung cấp dịch vụ lớn, hơn 4.000 ngôi làng nghèo tại đây vẫn “trắng” sóng viễn thông di động và Internet. Hệ thống cáp quang cũng không mạnh. Nhiều người nghèo ở khu vực nông thôn không được kết nối mạng.
Ông Joseph Leizer, trưởng làng Ormelili, thuộc bộ lạc Maisai nổi tiếng châu Phi hiện sống ở Kilimanjaro cho biết: “Người Masai thường dẫn đàn gia súc đi rất xa để tìm kiếm nước và thức ăn. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời nhưng không thể liên lạc với gia đình suốt thời gian đó. Ở đây không có cách nào cả”.
Những người dân nghèo vẫn đang mong ngóng một nhà cung cấp dịch vụ sẵn sàng đầu tư vào cả những vùng nông thôn dân cư nghèo, sống thưa thớt mà diện tích lại toàn đồi núi.
Những con số 0 tạo nên thay đổi lớn
Sau hơn 2 năm kể từ ngày đặt chân lên mảnh đất Kilimanjaro, Nguyễn Ngọc Hoành - Giám đốc chi nhánh Halotel và Hoàng Trung Phong, Trưởng phòng Kỹ thuật của chi nhánh này đã cùng với những đồng nghiệp của mình làm nên nhiều điều khó tin.
Nhiều ngôi làng nghèo của tỉnh đã được phủ sóng di động. Các trường học, bệnh viện, sở cảnh sát… được kết nối Internet tốc độ cao.
Ông Joseph Leizer, trưởng làng Ormelili, thuộc bộ lạc Maisai gặp nhiều khó khăn khi đi chăn gia súc xa. |
Ít người biết rằng, sau 2 tháng đến Tanzania, họ mới có trụ sở và thuê được chỗ ở ổn định. Công tác phỏng vấn tuyển người những ngày đầu diễn ra ngay tại phòng trọ, còn phần thi thực hành kỹ thuật thì ở phòng Internet bên ngoài.
“Mọi thứ đều bắt đầu từ số 0 nên tất cả đều tự nhủ và động viên nhau là phải cố gắng và rồi mọi việc cũng chạy tốt. Mang theo khát vọng của những người Viettel muốn kết nối cho tất cả người dân, chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện lùi bước”, Ngọc Hoành chia sẻ.
Những người Việt ở Kilimanjaro cùng nhiều người Việt Nam và Tanzania trên khắp 26 tỉnh của đất nước này đã phủ sóng di động, Internet cho hơn 3.000 ngôi làng. Những người nghèo ở miền núi, nông thôn hẻo lánh kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại di động.
Trong những chuyến chăn gia súc dài ngày, ông Joseph Leizer có thể giữ liên lạc với gia đình, bạn bè nhờ sóng Halotel. “Người mua gia súc cũng dễ dàng tìm chúng tôi, công việc kinh doanh thuận lợi hơn”, vị trưởng làng Ormelili cho biết.
Anh Rashidi Ramadhan Hamasi, nhân viên Công ty Halotel - trước là tài xế taxi chia sẻ: “Khi những người Việt tìm đến tôi, nói về mục đích của họ thì tôi thấy họ chân thành, đáng tin tưởng. Công việc rất thách thức nhưng chúng tôi đã cùng nhau cố gắng để đem cơ hội tiếp xúc với dịch vụ mới và công nghệ hiện đại cho người dân”.
“Kể từ khi làm việc tại Halotel, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi vì tôi có tiền lương đều đặn, không thất thường như trước kia. Tôi có thể lo cho bản thân và gia đình một cuộc sống tốt hơn. Tôi học hỏi được nhiều điều từ sự kiên trì và nhẫn nại của các bạn Việt Nam”, anh Rashidi nói thêm.
Rashidi Ramadhan Hamasi là một trong số hơn 2.200 người Tanzania được tuyển dụng làm việc tại Halotel. Họ cùng với những đồng nghiệp Việt Nam tạo ra thay đổi lớn cho nền viễn thông nước này chỉ trong vòng hơn 2 năm. Thế nhưng, khát vọng đó nhất định không dừng lại ở việc kết nối cho người nghèo và vị thế của một mạng di động với hơn 3 triệu người dùng sau một năm.