Sếp FPT trải lòng về “cú sốc đầu đời“

Sếp FPT trải lòng về “cú sốc đầu đời“
Hội trường có sức chứa 1.000 người tại Đại học Bách Khoa Hà Nội hầu như đã được phủ kín trong ngày 28/5 khi chương trình “Chat với CEO” do FPT tổ chức diễn ra lần 2. Ba diễn giả tham gia chương trình là những lãnh đạo trẻ, tài năng, giàu kinh nghiệm song cũng rất hài hước. Hiện cả ba anh đều giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT.
Kể về ngày đầu tiên đi làm, trong không khí giao lưu thân thiện, anh Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom chia sẻ, đó như "cái tát của cuộc đời", bởi những kiến thức ở ghế giảng đường và thực tế công việc rất khác nhau.
Ba diễn giả là những lãnh đạo trẻ của FPT. Từ trái qua: Anh Hoàng Việt Anh, Nguyễn Văn Khoa và Lê Hồng Việt.
 Ba diễn giả là những lãnh đạo trẻ của FPT. Từ trái qua: Anh Hoàng Việt Anh, Nguyễn Văn Khoa và Lê Hồng Việt. 

“Trước khi tốt nghiệp, tôi từng mơ mình sẽ mở một chuỗi khách sạn từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Đến khi vào FPT, tôi hiểu luôn ước mơ ấy không bao giờ thực hiện được, vì cần nhiều yếu tố khác”, anh Khoa tiết lộ.
Tổng giám đốc FPT Telecom từng có ước mơ trở thành phi công và đã đi tập huấn bay để thực hiện niềm đam mê ấy. Nhưng lối rẽ bất ngờ khiến anh bỏ từ bỏ giấc mơ phi công và dẫn đường đến với… kỹ thuật. Khi bén duyên với FPT, anh đã dành ra 5 năm để học về những thứ liên quan đến mạng Internet.
Suốt 5 năm đầu ở FPT, anh không ngừng học những kiến thức mình đang thiếu. Anh nhờ bảo vệ đánh một cái chìa khóa ở phòng máy chủ để lẻn vào "chỉ để biết trái tim của một hệ thống như thế nào". Công việc kiểm tra hệ thống trong 3 năm liền đó đã cho anh những kiến thức mà không thứ sách vở nào ghi được.
“Các bạn cần mạnh dạn, nỗ lực, thể hiện quyết tâm, kiên trì và tư duy logic thật tốt”, là những đúc kết của anh Khoa dành cho các bạn trẻ.
Sếp FPT trải lòng về “cú sốc đầu đời“ ảnh 2
 Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi cho diễn giả. 

“Cú sốc” đầu đời của anh Hoàng Việt Anh sau khi kết thúc đời sinh viên khá nhẹ nhàng. Nhưng “trong 20 năm ở FPT, tôi gặp thất bại nhiều hơn thành công. Năm 2010, tôi nhận mảng công việc mới là mở nhà máy, nhân rộng mô hình Petronas. Dự án thất bại và tôi phải cân nhắc có nên tiếp tục cho FPT”, anh kể. Nhờ được tạo điều kiện, anh đã chuyển bại thành thắng và tiếp tục chinh phục những dự án lớn khác. Việt Anh hiện là Giám đốc Đơn vị phần mềm chiến lược số 1 FPT Software.
Theo anh, bất kỳ ai đều không tránh khỏi vấp ngã khi lập nghiệp, những người thành công là người biết cách đứng dậy và tìm được môi trường cho họ cơ hội để sửa sai.
Bên cạnh đó, các anh đã trao đổi về xu hướng công nghệ toàn cầu và kinh nghiệm làm việc trực tiếp với những tập đoàn công nghệ đa quốc gia, chia sẻ nhiều cơ hội dành cho sinh viên công nghệ, góp phần giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp và đưa ra những quyết định đúng đắn cho con đường sự nghiệp trong tương lai.
Giám đốc Công nghệ FPT Software Lê Hồng Việt - vốn là dân công nghệ được đào tạo bài bản từ Đại học Sydney, Australia. Năm 2005, anh gia nhập FPT để thỏa mãn đam mê công nghệ khi được trực tiếp tham gia những dự án lớn với nhiều tập đoàn đa quốc gia. Để không ngừng nâng cao năng lực công nghệ đồng thời nuôi dưỡng tình yêu với công việc, anh Lê Hồng Việt quan niệm cần phải ra chiến trường, tham gia các trận đánh lớn. Anh đùa: “Nếu không có điều kiện để tham gia trực tiếp thì đành bắt chước bác Tố Hữu đi nghe anh em ở mặt trận về kể chuyện. Tuy nhiên, để ra trận mà không chết thì cũng phải tự trang bị kiến thức cho mình trước đã”.
Thực tế làm việc đã giúp anh học hỏi được rất nhiều từ chính các dự án đang triển khai và các chuyên gia công nghệ đến từ khắp châu lục. Ngoài ra, mỗi lần đi công tác nước ngoài, việc đầu tiên anh nghĩ tới là tìm mua những cuốn sách viết về lĩnh vực mà mình đang quan tâm.
Anh khuyên các bạn sinh viên công nghệ nên thường xuyên cập nhật thông tin từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng, nghiên cứu sâu hơn trong các sách, tạp chí chuyên ngành và tìm được những người thầy, người bạn cùng lĩnh vực để tiếp nhận, chia sẻ kiến thức. “Trong thế giới công nghệ, nếu bị tụt hậu thì chẳng khác nào tự sát”, anh nhận định.
Các lãnh đạo trẻ FPT cũng dành thời gian trả lời thắc mắc của sinh viên về chế độ đãi ngộ cho những người làm công nghệ ở FPT. “Cách đây 2 năm, FPT đã hoạch định con đường thăng tiến cho cán bộ công nghệ. Theo đó, những chuyên gia giỏi không cần phải làm quản lý. Hiện tại, có nhiều chuyên gia công nghệ lương còn cao hơn lương của tôi”, anh Việt Anh cho hay.
Chương trình diễn ra trong hơn 2 giờ, với nhiều tiếng cười và những tràng pháo tay ủng hộ. Sự duyên dáng, dí dóm của MC Đinh Tiến Dũng cùng với những câu chuyện từ thực tế của các lãnh đạo trẻ FPT đã lôi cuốn sinh viên.
Theo dõi buổi giao lưu với sự háo hức, Lê Hưởng Đạo, một sinh viên của trường, cho biết: “Chương trình rất bổ ích bởi em biết nhiều thông tin, làm quen với nhiều người. Lúc đầu khi đặt câu hỏi rất run, nhưng em thực sự vui mừng khi nhận được câu trả lời của anh Khoa, đồng ý giới thiệu em với sư phụ của anh ấy”.
Trần Trung Hiếu biết chương trình giao lưu qua kênh Facebook. Cậu sinh viên công nghệ này đặt mục tiêu là phải tham gia vì muốn biết “Công ty công nghệ lớn như FPT làm thế nào để phát triển”.
“Em thấy chương trình gần gũi, vui vẻ. Đây là chia sẻ như từ người anh, từ chính trải nghiệm của bản thân chứ không phải những thứ quá cao siêu. Qua câu chuyện của các anh, em thấy mức lương không phải là điều quá quan trọng, cần thiết hơn chính là duy trì sự đam mê”, Hiếu nói.
Không là sinh viên Bách Khoa, nhưng khi được nghe bạn kể về chương trình, Phùng Thị Mai Phương, Đại học Công nghệ Hà Nội, đã không quản nắng nôi đến tham gia: “Chương trình hấp dẫn và em được học nhiều kinh nghiệm để xin việc. Em cũng rút ra bài học là chúng ta tiếp tục tích lũy trong môi trường làm việc, kinh nghiệm khác nhau”.
Dự kiến, sau chương trình được tổ chức tại Hà Nội, “Chat với CEO” số tiếp theo sẽ được tổ chức ở TP HCM.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Đọc nhiều nhất

Tin mới