Ngày 2/4, Litva thông báo sẽ không nhập khẩu khí đốt của Nga, qua đó trở thành quốc gia EU đầu tiên chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung này. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh giao tranh Nga-Ukraine chưa dừng lại, cũng như Tổng thống Putin ký sắc lệnh yêu cầu người mua từ những quốc gia và vùng lãnh thổ bị coi là "không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Sau động thái của Litva, Ba Lan tuyên bố sẵn sàng "noi gương" khi một quan chức về các vấn đề năng lượng và cơ sở hạ tầng chiến lược của quốc gia này, Peter Naimsky, thông báo rằng Vác-sa-va sẽ ngừng mua khí đốt của Nga sau năm 2022.
Tuy vậy, trên thực tế, EU chưa áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với nhập khẩu khí đốt của Nga lên các nước trong khối. Điều này có thể thấy qua việc Slovakia và Cộng hòa Séc dường như chưa sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt. Người đứng đầu Bộ Kinh tế Slovakia, Richard Sulik, cho biết, đất nước của ông "không thể làm gì" nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Ông lưu ý rằng Slovakia nhập khẩu khoảng 85% lượng khí đốt mà họ cần từ Liên bang Nga. Do đó, ngay cả khi đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, cũng sẽ phải mất vài năm nữa nước này mới có thể ngừng phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho rằng, việc ngừng phụ thuộc vào năng lượng của Nga "không phải trò đùa mà là một kế hoạch cần 'kịch bản' nghiêm túc" vì nó có thể tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc trong nền kinh tế - xã hội.
Ảnh: Getty Images |
Các chuyên gia đều nhất trí, nếu ngay bây giờ nguồn cung cấp khí đốt bị ngừng, các nước Tây Âu sẽ phải đối mặt với những hậu quả rất khắc nghiệt vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Igor Yushkov, một chuyên gia hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, chia sẻ với RT, nếu EU ngừng tiếp nhận khí đốt của Nga thì "chắc chắn sẽ có một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu".
Cũng theo vị này, nếu khí đốt của Nga bị cấm trên quy mô lớn, EU có thể phải đối mặt với các vấn đề cung cấp năng lượng. Trên thực tế, vào tháng 2/2022, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất của Na Uy, Equinox, đã thông báo rằng họ sẽ không thể cung cấp thêm nguồn nhiên liệu bổ sung cho EU nếu ngừng hoạt động nhập khẩu từ Nga.
Trong lĩnh vực công nghiệp, khi năng lượng trở nên khan hiếm, hàng hóa sản xuất ra sẽ "rất, rất đắt" và không có tính cạnh tranh so với các sản phẩm từ châu Á và châu Mỹ.
Mỗi năm, EU tiêu thụ tổng cộng 400 tỷ m3 khí đốt, trong đó khoảng 40-45% (hay 150 tỷ m3) do Nga cung cấp. Trong khi đó, năm 2021, Nga xuất khẩu 200 tỷ m3 khí đốt, trong đó 75% xuất sang EU. "EU rất phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng điều này cũng có nghĩa là Nga phụ thuộc vào thị trường châu Âu", Marcel Salikhov, giám đốc kinh tế tại Viện Năng lượng và Tài chính của Trường Kinh tế cao cấp nói với RT.
Cũng theo Salikhov, Nga sẽ gặp khó khăn khi đối phó với tình huống này, "Vấn đề là Nga không có đủ cơ sở hạ tầng phát triển để bù đắp thiệt hại bằng cách chuyển hướng cung cấp sang các thị trường khác", Salikhov nói. "Có rất ít lựa chọn thay thế theo phối cảnh hiện tại, đơn giản vì toàn bộ hệ thống đường ống khí đốt của Nga đều dẫn đến châu Âu và không thể định hướng lại dòng chảy sang các thị trường quan trọng khác trong hệ thống vận chuyển khí đốt hiện tại. Các nước châu Á có thể sẵn sàng mua nhiều hơn, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào?".