Già hóa dân số dần trở thành một “quả bom hẹn giờ” ở Nhật Bản và Đức, nơi mà vòng xoáy suy giảm lực lượng lao động đang kéo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đi xuống. May mắn rằng đây cũng chính là những nhà tiên phong trong cuộc cách mạng robot.
Robot đang dần thay thế vai trò của con người trong sản xuất. Ảnh: Bloomberg |
Việc đẩy mạnh tự động hóa và sử dụng công nghệ robot trong sản xuất có thể làm dịu đi ảnh hưởng của thực trạng suy giảm lao động do già hóa dân số ở một số quốc gia như Nhật Bản hay Đức, theo dự đoán của hãng tư vấn Moody’s Investors Service (MIS).
“Robot có thể đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ thay thế cho con người. Chúng đảm bảo cho tương lai vững chắc của nền kinh tế”, MIS viết một trong báo cáo vừa qua.
Năm 2015, Đức có tới hơn 20% dân số trên 65 tuổi, con số này ở Nhật Bản là hơn 25%. Theo ước tính của Bloomberg, những chỉ số này sẽ lần lượt tăng lên 30% và 35% trước năm 2030, báo động tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng trong ở hai quốc gia. Đây là điều đáng ngại cho bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới.
Bởi vậy, Đức và Nhật Bản đang tìm cách để hạn chế tác động tiêu cực của thực trạng này. Xuất khẩu hàng hóa chế tạo chiếm tới hơn 1/3 GDP của Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong khi ở Nhật Bản, tỷ lệ này cũng lên tới 12%. Có thể thấy, Đức và Nhật Bản đều là những người đi tiên phong trong việc robot hóa nền sản xuất.
Một con số đáng chú khác là khoảng 3/4 hàng hóa được sản xuất tự động bằng máy móc trên thế giới tập trung ở 5 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức. Trong số đó, 3 nước châu Á mua một nửa tổng số robot công nghiệp trên thế giới từ năm 2013.
Có những thời điểm mà nhiều chính trị gia lo ngại robot hóa sản xuất sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tác động của máy móc vẫn chưa bù đắp được mối nguy cơ từ tốc độ già hóa dân số của một số quốc gia như Nhật Bản hay Đức.
Về phần mình, những nền kinh tế đang phát triển sẽ chịu thiệt thòi trong cuộc cách mạng robot hóa sản xuất trên toàn cầu. Một số quốc gia như Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, nơi xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm hơn 50% GDP ( Đức nhập 16- 20% hàng hóa trong số này) có thể gặp rủi ro. Các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp như Ấn Độ, Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khi mà các nhà máy công nghệ cao sẽ dần dịch chuyển sang những quốc gia phát triển nhằm hấp thụ tốt hơn thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật.