Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo, ngày 26/12/2024 tới, SCIC sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL).
Khối lượng cổ phần đấu giá là 10,5 triệu cổ phần, tương đương hơn 25% vốn điều lệ của TTL. Giá khởi điểm của cả lô là hơn 222,6 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 6/2022, SCIC đã thông báo bán đấu giá toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu TTL với giá khởi điểm 194,6 tỷ đồng, nhưng phải huỷ bỏ do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Như vậy, so với lần đấu giá ở thời điểm hơn 2 năm trước, SCIC đã tăng mức giá khởi điểm thêm 14%.
Ngay sau đó, SCIC tiếp tục tổ chức phiên đấu giá thứ hai, đồng thời đăng ký bán 10,5 triệu cổ phiếu TTL theo phương thức thực hiện ngoài hệ thống. Tuy nhiên, việc thoái vốn TTL của SCIC vẫn chưa thể thực hiện.
Cùng thời gian với SCIC, một cổ đông lớn khác của TTL là Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) đã bán thành công 1,34 triệu cổ phiếu vào ngày 4/7 và 14,83 triệu cổ phiếu, chiếm 35,45% vốn tại TTL vào ngày 5/7/2022 và không còn là cổ đông lớn của TTL.
Theo dữ liệu trên HNX, giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận, giúp Tasco thu về 300 tỷ đồng.
Thay thế cho Tasco, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG đã mua 14,83 triệu cổ phiếu TTL, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 20,99 triệu cổ phiếu, chiếm 50,16% và đã trở thành cổ đông lớn nhất của TTL.
Ảnh minh họa |
Tiền thân của Tổng công ty Thăng Long là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải gồm nhiều xí nghiệp thành viên hạch toán tập trung với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985).
Ngày 06/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty mẹ - Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thành CTCP.
Ngày 24/11/2014, Tổng Công ty chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Thăng Long. Đến ngày 18/01/2018, cổ phiếu của Tổng Công ty Thăng Long chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là TTL, giá tham chiếu 13.000 đồng/cp.
TTL có vốn điều lệ hơn 419 tỷ đồng. Ngành nghề chính của TTL là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp xây dựng cầu đường. Nhiều dự án tiêu biểu của TTL có thể kể đến như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại TP Hà Nội và TPHCM…
Về kết quả kinh doanh, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, TTL ghi nhận 1.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán tăng từ 902,5 tỷ đồng lên mức 1.263 tỷ đồng, qua đó, lợi nhuận gộp giảm 13% về mức 100,2 tỷ đồng.
Áp lực từ chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ngốn gần hết thu nhập của TTL, khiến lãi sau thuế giảm 42%, lùi về mức 10,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt vỏn vẹn 3,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận tại 14,9 tỷ đồng.
So với kế hoạch năm 2024 đề ra, Tổng công ty thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 7% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.