Bi kịch của tàu lặn Titan dường như không thể kìm hãm nhu cầu đối với các chuyến tham quan xác tàu Titanic. Ảnh: Reuters. |
Theo CNN, với sự phát triển của công nghệ, ngành công nghiệp du lịch mạo hiểm đã ra đời, chủ yếu hướng tới giới nhà giàu. Chỉ cần chấp nhận trả mức giá phù hợp, các cá nhân giàu có có thể thăm thú trên trời dưới biển. Họ được đến những nơi mà trong suốt chiều dài lịch sử, rất ít người đã và sẽ đặt chân tới.
Tuy nhiên, ngay cả mạng lưới an toàn tốt và đắt đỏ bậc nhất cũng có lỗ hổng.
Tuần trước, Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) cho biết cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng, trong một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp”. Đó là cái kết buồn cho những nỗ lực cứu hộ quốc tế quy mô lớn đối với tàu lặn mất tích trong chuyến tham quan xác tàu Titanic.
Những mảnh vỡ được phát hiện dưới đáy đại dương cho thấy tàu lặn này đã phải hứng chịu áp lực rất lớn.
Trong số các nạn nhân, nhiều người đã phải trả 250.000 USD cho cơ hội lặn xuống 2 dặm dưới mặt nước.
Trên khắp thế giới, người ta cũng phải chi trả hàng chục nghìn USD để được leo lên đỉnh Everest. 17 người đã thiệt mạng hoặc mất tích kể từ đầu năm đến nay. Mùa xuân vừa qua, 5 người, trong đó có tỷ phú người Czech Petr Kellner, qua đời trong một vụ rơi trực thăng khi đi trượt tuyết ở Alaska.
Một chuyến leo đỉnh Everest tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm nghìn USD. Ảnh: Reuters. |
Có 2 điểm chung giữa các chuyến trải nghiệm bằng tàu lặn, leo núi hay trượt tuyết. Đây là những dịch vụ chủ yếu dành cho giới nhà giàu, và tỷ lệ xảy ra sự cố của chúng rất thấp.
"Tính rủi ro chính là một phần sức hấp dẫn của Everest và tôi nghĩ rằng Titanic, các chuyến du hành vũ trụ hay những trải nghiệm tương tự cũng vậy", ông Lukas Furtenbach - người sáng lập công ty leo núi Furtenbach Adventures - cho biết.
"Đã có người từng bỏ mạng ở nơi này là một phần lý do mọi người muốn tới đó", ông nhận định. Công ty của ông Furtenbach cung cấp gói dịch vụ leo đỉnh Everst với lượng oxy không giới hạn, hướng dẫn trực tiếp 1 kèm 1, giá 220.000 USD.
Ông tiết lộ sau mùa leo núi chết chóc vừa qua, với 17 người thiệt mạng và mất tích, nhu cầu cho mùa tiếp theo có xu hướng tăng đột biến.
Số lượng giấy phép leo đỉnh Everest thậm chí tăng lên đáng kể sau năm 1996. Mùa leo núi đó đã lấy đi mạng sống của 12 người và trở thành chủ đề nóng hổi của giới truyền thông quốc tế.
"Sau mỗi mùa thảm họa, trung bình cứ 3-5 năm một lần, chúng ta có thể chứng kiến số lượng giấy phép được cấp tăng lên rất nhiều", ông Furtenbach tiết lộ.
"Nếu việc leo Everest an toàn 100%, tôi nghĩ đó sẽ là điểm kết thúc của cuộc phiêu lưu", ông bình luận.
Tương tự như vậy, bi kịch vừa qua ở Bắc Đại Tây Dương dường như không thể kìm hãm nhu cầu đối với các chuyến tham quan xác tàu Titanic. Ngược lại, sự quan tâm trên toàn cầu còn đang tăng lên.
Ông Philippe Brown - người sáng lập công ty du lịch sang trọng Brown and Hudson - cho biết danh sách khách hàng chờ đối với các chuyến tham quan xác tàu Titanic - vẫn còn dài. Những chuyến đi này được công ty của ông hợp tác với OceanGate - công ty điều hành đứng sau tàu Titan.
"Đến nay, vẫn chưa có bất cứ ai hủy vé, số lượng yêu cầu thậm chí còn tăng lên", ông Brown tiết lộ. Theo ông, các du khách tin rằng sau vụ việc, công nghệ sẽ được cải thiện và những quy định có thể trở nên chặt chẽ hơn.
"Đáng buồn thay, đôi khi bi kịch lại là chất xúc tác cho sự tiến bộ", ông bình luận.
Vụ việc thổi bùng tranh cãi giữa các học giả và những nhà thám hiểm, vốn đã âm ỉ trong nhiều thập kỷ qua. Họ tranh luận về việc liệu có nên thực hiện các nỗ lực giải cứu tốn kém đối với những du khách ngoan cố hay không.
Khi tàu lặn Titan mất tích, một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn đã được USCG dẫn đầu với sự hỗ trợ của Pháp và Canada. Các quan chức Mỹ không tiết lộ về chi phí của nỗ lực kéo dài 5 ngày, nhưng giới chuyên gia ước tính con số có thể lên tới hàng triệu USD.