Về khía cạnh y học, rất nhiều chuyên gia trên thế giới khuyến cáo không nên mang thai khi đang chữa trị ung thư. Ảnh: Verywellfamily. |
Với người khỏe mạnh, việc mang thai luôn là sứ mệnh rất cao cả của người phụ nữ. Tuy nhiên, mang bầu khi đang có khối u khiến các bà mẹ bối rối, lo lắng.
BS Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cho biết đơn vị ông công tác từng vừa điều trị ung thư vừa giữ thai và sinh thành công cho một số bệnh nhân.
Điển hình là ca bệnh của chị N.T.L., mắc ung thư vú giai đoạn muộn đã trải qua cuộc phẫu thuật trong tư thế ngồi với tình thế "thập tử nhất sinh" vào 5/2019. Hành trình kỳ diệu vừa cứu mẹ vừa giữ được con khi ấy đã là biểu tượng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ sản phụ và các bác sĩ.
"Tuy nhiên, về khía cạnh y học, rất nhiều chuyên gia trên thế giới khuyến cáo không nên mang thai khi đang chữa trị ung thư", BS Hải Nam nói.
Theo BS Nam, phụ nữ mắc ung thư trong thời gian mang thai không chỉ gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe mẹ mà còn ảnh hưởng tới em bé. Những hệ lụy không mong muốn mà mẹ bầu bị ung thư phải đối mặt trong thời gian thai kỳ như:
- Sức khỏe giảm sút nhanh chóng, người mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, đi lại khó khăn, tay chân phù nề.
- Nguy cơ khối u phát triển nhanh, gây suy giảm chức năng của não, tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu... Người bệnh có nguy cơ tắc mạch phổi, tắc ruột, thủng ruột, nhiễm trùng huyết…
Bên cạnh đó, ung thư còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi:
- Thai nhi kém phát triển, nguy cơ sảy thai, sinh non, con sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
- Các cơ quan tim, phổi, gan, thận... suy chức năng khi bé chào đời.
Phụ nữ mắc ung thư trong thời gian mang thai không chỉ gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe mẹ mà còn ảnh hưởng tới em bé. Ảnh: Time. |
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng mang thai khi mắc ung thư, người mẹ sẽ phải trì hoãn hoặc ngừng các biện pháp điều trị bệnh, khiến tính mạng thai phụ bị đe dọa. Bên cạnh đó, một số loại ung thư đặc biệt sẽ dẫn đến sự thay đổi của hormone và gây hậu quả rất xấu (kích thích ung thư phát triển).
Người bệnh nên đợi 2-5 năm để chắc chắn ung thư không tái phát trước khi quyết định có con.
"Sau quá trình điều trị, trứng hư hại do hoá xạ trị cũng như các tế bào ung thư vẫn có thể còn tồn tại trong cơ thể, bạn phải mất ít nhất 6 tháng để thanh lọc hầu hết yếu tố này ra khỏi cơ thể. Do đó, đa số người bệnh sau hóa xạ trị (cả phụ nữ và đàn ông) đều được khuyên nên sử dụng các phương pháp tránh thai cho đến 2 năm sau khi dừng biện pháp điều trị", phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cho hay.
BS Nam cũng nhấn mạnh dù nền y tế nước nhà đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, chúng ta cũng cần chú trọng công tác dự phòng và kiểm soát bệnh tật. "Cổ tích giữa đời thường" không thể lúc nào cũng có thể được viết nên. Mong ước của con người và giới hạn của khoa học không phải lúc nào cũng song hành cùng nhau.