Nghệ sĩ Chu Hùng là người đảm nhận vai Thế "chột" - kẻ thù số một của ông trùm Phan Quân trong Người phán xử. Tạo hình lạ, diễn biến tâm lý phức tạp, cùng sự nguy hiểm, lúc ẩn lúc hiện của nhân vật được nam diễn viên gạo cội thể hiện xuất sắc. Trên mạng xã hội, số phận của bạo chúa Thế "chột" đang được nhiều người quan tâm, bàn tán và dự đoán.
Tạo hình mắt chột gây ức chế trong quá trình quay
- Ông đến với vai Thế “chột” trong “Người phán xử” như thế nào?
- Cách đây khoảng 2 năm, Khải Anh và Mai Hiền đến nhà tôi. Các em bảo là tôi nghỉ quá lâu rồi nên lần này không được trốn màn ảnh nữa, phải trở lại với khán giả. Lúc đầu tôi từ chối, nhất định không nhận vì cũng đã lâu không làm phim. Nhưng sau khi 2 đạo diễn thuyết phục, tôi đồng ý.
Tôi bảo Mai Hiền nói qua nhân vật. Sau khi nói, tôi hình dung ra ngay nhân vật mà không cần đọc kịch bản. Đó là một nhân vật có số phận và rất hấp dẫn, lại đóng cùng với Hoàng Dũng nên tôi rất hào hứng.
Nghệ sĩ Chu Hùng và vai diễn Thế "chột" trong phim Người phán xử. |
- Nhân vật này có gì đặc biệt khiến ông bị hấp dẫn đến vậy?
- Vai diễn Thế “chột” là một nhân vật có diễn biến tâm lý phức tập. Từ đầu đến cuối luôn ủ mưu, tính kế để trả thù ông trùm Phan Quân, tức phe đối lập.
Trong thế giới ngầm, không có chính tà. Họ đối phó với nhau bằng những thủ đoạn đấu đá. Chiêu của Thế “chột” là lúc ẩn, lúc hiện, mua chuộc đàn em của Phan Quân. Thế "chột" như con rắn bơm nọc độc dần dần vào Phan Thị.
Nhân vật này xuất hiện không quá nhiều nhưng có vai trò xuyên suốt bộ phim. Thú thật, đây là một nhân vật không đơn giản, để vào vai này, tôi phải vận dụng rất nhiều kiến thức, trải nghiệm và sự hiểu biết của bản thân.
- Đồng ý trở lại phim trường sau thời gian nghỉ ngơi, ông đặt điều kiện gì với đoàn làm phim?
- Tôi không đặt điều kiện gì cả, còn nếu có yêu cầu gì thì cũng chỉ nhằm phục vụ cho chất lượng của vai diễn. Tôi đồng ý đóng vai Thế “chột” khi đang trong thời gian giữ lời hứa tham gia một bộ phim khác.
Thế nên, tôi có đề nghị với các đạo diễn là phải hóa trang tôi thật khác với ngoại hình hiện tại, làm sao để gai góc và đúng chất nhân vật nhất. Sau đó, đạo diễn khuyên tôi cứ yên tâm vì chỉ với mắt chột, tạo hình nhân vật cũng đã khác nhiều so với tôi ngoài đời.
- Trong quá trình quay, tạo hình mắt chột gây khó khăn như thế nào đối với ông?
- Việc bịt một bên mắt trong suốt thời gian quay thực sự là một ức chế đối với diễn viên. Bịt 1-2 tiếng thì không sao nhưng đây là kéo dài hàng năm trời. Đầu tiên, đúng là rất đơn giản nhưng càng về sau, mắt của tôi như bị ám ảnh với việc bị bịt.
Điều này cũng gây phân tán về mặt diễn xuất vì cơ mặt không thoải mái. Chúng ta cũng không có kỹ thuật như nước ngoài. Bịt bằng dây chun và một miếng da nên rất khó chịu. Mùa hè, mồ hôi chảy ra, mắt tôi gần như bị nhòa. Nhiều lúc nhìn bạn diễn thành ra 2, 3 người.
Thế "chột" là nhân vật đặc tả đôi mắt rất nhiều. Nhưng một mặt bị bịt nên mắt còn lại phải bỏ sức ra gấp 3 lần. Đôi mắt ấy phải tập trung cao độ để thể hiện sự dữ dằn và nội tâm của nhân vật. Nếu không vượt qua được sự ức chế thì khó có thể hoàn thành được vai diễn.
Có kinh nghiệm vì thường xuyên vào vai xã hội đen
- Ngoài khó khăn liên quan đến tạo hình, hẳn trong gần một năm quay phim, ông còn nhiều câu chuyện hậu trường đáng nhớ?
- Đúng là có nhiều câu chuyện chưa kể vì trong đoàn làm phim tôi được xếp vào người lớn tuổi.
Người có tuổi mà theo các bạn trẻ trèo đèo lội suối, vượt qua mưa gió, trơn trượt để hoàn thành các cảnh quay thì chắc chắn sẽ có những kỷ niệm không thể quên được.
Thế nên, việc phim được khán giả yêu thích như vậy cũng là món quà cho anh em nghệ sĩ chúng tôi.
- Trong quá trình thực hiện “Người phán xử”, một số diễn viên chia sẻ rằng họ phải tự xây dựng lý lịch nhân vật bằng cách tìm hiểu giang hồ thực ở ngoài đời. Còn ông thì sao?
- Việc tìm hiểu giang hồ thực ở ngoài đời là có nhưng tôi không phải vay mượn một hình ảnh nào. Tôi thường xuyên vào vai xã hội đen nên bản thân cũng có ít nhiều có kinh nghiệm.
Là diễn viên, tôi cũng thường đứng ở con mắt của một người làm nghề để quan sát cuộc sống của thế giới ngầm và hình thành những tư liệu cho mình.
Chi tiết, câu chuyện nào hay thì lưu lại trong trí nhớ đến khi cần thì sử dụng. Nếu có kinh nghiệm thì đơn giản lắm, không cần phải sao chép hình ảnh của ai.
- Để đi đến thống nhất về biểu cảm nhân vật, hẳn ông và các đạo diễn có không ít tranh cãi?
- Thực ra, kịch bản đã mang đến 70% chất liệu để diễn viên xây dựng nhân vật. 30% còn lại bắt buộc đạo diễn và diễn viên phải có những tranh luận, miễn sao nó phù hợp với hoàn cảnh.
Câu thoại nào không phù hợp thì tôi đề nghị sửa đi. Tôi vẫn bảo với các đạo diễn là không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kịch bản, phải có sáng tạo trong quá trình quay. Có những câu thoại thể hiện ở ngoài không phù hợp, tôi mạnh dạn cắt bỏ và thay thế bằng những câu thoại mới.
Nhiều người đã gọi tôi là Thế "chột"
- Thế "chột" là kẻ thù số một của Phan Quân nhưng nhiều khán giả cho rằng trong gần 20 tập đầu của bộ phim, Thế "chột" vẫn chưa có những câu thoại nặng ký, điều mà nhân vật Phan Quân lại có thừa?
- Thế "chột" vẫn chỉ là mới xuất hiện, gần như cả phần đầu của phim là thế lực của Phan Thị. Do vậy, các bạn hãy chờ đi, càng về sau gã giang hồ này càng thể hiện bản thân.
Trong cấu trúc của kịch bản, các nhân vật phải nhường đất cho nhau. Càng về sau, nhân vật Thế “chột” càng có nhiều đất diễn, sự gay cấn được bóc dần, bóc dần. Đó là yếu tố hấp dẫn của bộ phim.
- Nếu được làm lại vai Thế "chột", ông sẽ thay đổi những gì?
- Về diễn xuất thì không nhưng về tạo hình thì có, tôi chưa thực sự hài lòng với tạo hình của Thế "chột" trên phim. Nhưng đây là điều khó tránh, vì lúc đó, tôi phải giữ một phần hình ảnh vì trót nhận lời làm một bộ phim khác. Tôi vẫn rất lấy làm tiếc về điều này.
- Ông từng chia sẻ việc mình bị mất tên thật suốt 20 năm vì vai Bắc Đại Bàng trong phim "Nước mắt của mẹ", ông có kỳ vọng mình sẽ có một cái tên mới sau "Người phán xử"?
- Hiện tại, nhiều bạn bè, khán giả truyền hình, người dân đã gọi tôi là Thế “chột” khi gặp trên đường. Nhưng để trả lời là liệu nó có gây được tiếng vang như vai Bắc Đại Bàng hay không thì phải để hết phim mới kết luận được.