(Kienthuc.net.vn) - Thị trường xe hơi sẽ sớm rơi vào trạng thái đóng băng khi các đề xuất một số loại phí của Bộ Giao thông Vận tải đi vào thực tiễn.
Sức mua xế hộp của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, tính từ ngày 1/1/2012 khi lệ phí trước bạ đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống ở Hà Nội tăng từ 12% lên 20%, ở TPHCM tăng từ 10% lên 15%, các tỉnh thành khác cũng tăng từ 10% lên 15%; Phí cấp biển số tại Hà Nội tăng từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng, TPHCM dự kiến tăng như vậy bắt đầu từ tháng 4 và sắp tới là phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí vào nội thành giờ cao điểm.
Lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất, kinh doanh ngày một gia tăng. Doanh số ô tô bán ra trong tháng 1/2012 giảm 60% so với cùng kỳ và thấp hơn 61% so với tháng trước. Riêng doanh số bán xe hơi giảm 2,56 lần (Nguồn VAMA).
Xe hơi để đắp chiếu
Chiếc xe hơi từng là niềm mơ ước của nhiều người nay phải bán bỏ chỉ vì chủ nhân của nó không thể chịu được mức chi phí quá cao cho một phương tiện chỉ dùng để đi lại khi cần thiết.
Chỉ có dòng xe tải sản xuất trong nước mới có cơ hội tồn tại. |
Chị Thủy ở Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết vừa phải mua thêm một chiếc xe máy nữa vì từ ngày trụ sở cơ quan của chồng chị chuyển vào nội thành thì anh thường xuyên phải đi xe máy, nhà chỉ sử dụng ô tô khi có việc ra ngoại thành hoặc về quê.
Nếu các loại thuế đánh vào ô tô đi vào thực tiễn chị sẽ phải bán nó đi bởi chẳng dùng đến mấy mà tự dưng lại phải mất cả trăm triệu hằng năm là quá lãng phí.
Mặc dù sự ùn tắc giao thông chỉ xảy ra ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM nhưng dự thảo phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí vào nội thành giờ cao điểm của Bộ Giao thông Vận tải đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng, nhiều người dân tỏ ra lưỡng lự khi mua xe dẫn đến lượng hàng tồn trong các showroom rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp không dám nhập xe nữa mà thay vào đó phải cố gắng tiêu thụ nốt số hàng đã nhập về. Showroom ô tô Đông Hải trên đường Giải Phóng chật cứng xe vì lượng hàng tồn trong vài tháng qua còn nhiều.
Ông Trần Ngọc Liêm - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH ô tô Đông Hải cho biết hiện nay lượng xe bán ra của công ty đã giảm đến 50% và có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
Chỉ ô tô tải mới tồn tại được
Trong số 7 mức phí đối với các nhóm xe khác nhau thì dòng xe tải dưới 2 tấn thuộc nhóm xe cơ sở có mức phí thấp nhất. Mặc dù mức phí cao nhất cũng thuộc dòng xe tải có tải trọng 18 tấn trở lên nhưng dòng xe này được đánh giá cao bởi tính thiết thực trong đời sống.
Do đó, để giải được bài toán doanh thu cho doanh nghiệp, ông Bùi Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải đã phải xoay ra cung cấp thêm dòng xe tải bên cạnh việc cung cấp dòng xe hơi hạng trung, bởi theo ông thì chỉ có dòng xe tải là có thể tồn tại và trụ vững được trong thời điểm khó khăn này.
Theo ông Hải, chỉ mới đầu tư sang dòng xe tải được vài tháng trở lại đây nhưng lượng xe bán ra giữa hai dòng xe tải và xe hơi của Đông Hải đã là ngang nhau.
Còn ông Hồ Mạnh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Veam Korea cho rằng nếu như dự thảo một số loại phí tiếp theo của Bộ Giao thông Vận tải được thông qua, thị trường xe hơi không tránh khỏi đóng băng như thị trường chứng khoán hay bất động sản hiện nay.
Chiếc xe hơi lúc này đã trở thành một thứ “tiêu sản” chứ không phải là một thứ tài sản như ông bà ta ngày xưa “tậu trâu” để đem lại hiệu quả cao hơn trong đời sống sản xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, tiêu thụ trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng nề vì sản lượng hàng tồn kho gia tăng. Sản lượng của ngành công nghiệp xe hơi sẽ giảm mạnh và có thể đóng băng trong vòng 5 năm tới.
Đánh vào nhu cầu thiết thực muôn đời của người dân là căn nhà để ở, hàng loạt các dự án bất động sản khắp trong Nam ngoài Bắc đều có những chiêu câu khách “mua nhà trúng xe hơi”. Tuy nhiên, chẳng ai muốn “tự chui đầu vào rọ” trong thời điểm này - anh Vương một người dân ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết.
Thanh Phong