Hội đồng quản trị Công ty CP Traphaco (mã: TRA) vừa thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2023 cho cổ đông hiện hữu.
Theo đó, Traphaco sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền, tỷ lệ tạm ứng 20% (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là vào ngày 16/1/2024. Như vậy, với hơn 41,45 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Traphaco sẽ phải chi gần 83 tỷ đồng để hoàn tất đợt tạm ứng này. Thời gian thanh toán từ ngày 2/2/2024.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Traphaco thông qua phương án chi trả cổ tức 2023 dự kiến với tỷ lệ 30%. Như vậy, sau đợt tạm ứng này, Traphaco vẫn còn ít nhất 1 lần thực hiện chi trả tỷ lệ 10% để hoàn thành phương án này.
Sắp chi gần 83 tỷ tạm ứng cổ tức, lợi nhuận “ông lớn” dược phẩm Traphaco sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Trong một diễn biến khác, trước đó, đầu tháng 9/2023, Cục Thuế TP Hà Nội đã có quyết định xử phạt và truy thu thuế Traphaco với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, do kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
Cụ thể, sau khi thực hiện thanh tra thuế năm tài chính 2021 và 2022, cơ quan thuế quyết định phạt hành chính Traphaco số tiền trên 434 triệu đồng. Đồng thời, Traphaco còn phải nộp số tiền thuế thiếu qua thanh tra gần 2 tỷ đồng. Tổng số tiền Traphaco phải nộp trên 2,4 tỷ đồng.
Traphaco cho biết, việc khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp như trên là vi phạm thường gặp đối với doanh nghiệp cả nước, không mang tính cố ý vi phạm mà do nhầm lẫn số học, sót số liệu, cập nhật chính sách chưa kịp thời…
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Traphaco bị phạt về thuế. Trước đó, vào hồi tháng 2/2022, công ty cũng bị Tổng cục Thuế xử phạt vi phạm hành chính về thuế năm 2019 - 2020 với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
“Sức khỏe” Traphaco thế nào?
Tiền thân là một công ty Nhà nước, tháng 1/2000, Traphaco hoàn thành quá trình cổ phần hoá và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với 45% vốn Nhà nước, đến tháng 7/2001 đổi tên thành Công ty CP Traphaco.
Traphaco hiện có các công ty con, công ty liên kết và nhà máy trực thuộc đạt các tiêu chuẩn quốc tế như Nhà máy Hoàng Liệt chuyên sản xuất các loại thuốc viên, thuốc nước, bột; công ty con Công nghệ cao CNC chuyên gia công các sản phẩm đông dược. Bên cạnh đó, Traphaco cũng thành lập các công ty con chuyên mảng phân phối như Công ty Dược Vật tư Y tế Đắk Lắk có mạng lưới bán hàng tại hơn 500 điểm bán lẻ và 20 chi nhánh.
Hiện nay, sản phẩm đông dược của Traphaco vẫn được xem là chủ lực đầu tư của Traphaco với giá trị doanh thu hàng năm chiếm tỷ trọng khoảng từ 30-50% doanh thu thuần, nguồn dược liệu nguyên liệu trồng trong nước. Ngoài ra, gần đây, công ty đã chủ động mở rộng thêm mảng tân dược với nguyên liệu được nhập khẩu trực tiếp từ các nước Châu Âu và các nước Châu Á.
Nhìn lại kết quả kinh doanh của Traphaco, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 576 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 6%, lên 277 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận gộp bị kéo giảm 13% so với cùng kỳ, về còn gần 299 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 9,8 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng mạnh từ 394 triệu đồng lên gần 2,1 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng từ 253 triệu đồng lên gần 1,6 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận giảm.
Sau khi trừ các chi phí và thuế, Traphaco báo lãi sau thuế hơn 70 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ 2022 và ghi nhận là quý có lợi nhuận thấp nhất trong năm.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Traphaco đạt 1.712 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 229 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ (lãi ròng) ghi nhận đạt gần 210 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 326 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tổng tài sản của Traphaco tại ngày 30/9/2023 tăng hơn 10% so với đầu năm, đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng đáng kể lên hơn 723 tỷ đồng, chiếm hơn 36% tổng tài sản.
Cùng đó, hàng tồn kho giảm xuống gần 427 tỷ đồng, tương ứng giảm 10% so với đầu đầu năm, chủ yếu là nguyên vật liệu (168 tỷ đồng) và thành phẩm (142 tỷ đồng).
Về phía nguồn vốn, tại thời điểm 30/9/2023, nợ phải trả của Traphaco tăng 6% lên hơn 463 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm 69% xuống 57 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn tăng 79% lên gần 93 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ vay tài chính của Traphaco đã tăng gấp 3,6 lần từ 40 tỷ đồng lên gần 143 tỷ đồng, với khoản vay 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Quân đội và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam. Chính việc phát sinh những khoản vay này đã khiến chi phí lãi vay quý III/2023 của Traphaco tăng vọt so với cùng kỳ.
Tại cuối quý III/2023, vốn chủ sở hữu của Traphaco đạt 1.537 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, vốn điều lệ là 414 tỷ đồng; công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 320 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng ngày 18/12, cổ phiếu TRA của Traphaco đang giảm nhẹ xuống 77.600 đồng/cp.