Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV. |
Sáng nay, Quốc hội bắt đầu kỳ họp bất thường quyết định 4 nội dung cấp bách
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV khai mạc vào 9h sáng nay (4/1) và dự kiến bế mạc vào ngày 11/1/2022.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào 7h15, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào 8h cùng ngày, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Đúng 9h, Quốc hội họp Phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Chưa đầy 2 tháng sau khi kết thúc thành công tốt đẹp Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ nhất để quyết định nhiều nội dung rất quan trọng. |
Cần có chính sách phù hợp để Khánh Hòa phát triển “đột phá“
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 24/5/2022, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quốc hội đã thảo luận tổ về nội dung này với 87 lượt ý kiến phát biểu, Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận với các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và các gợi ý thảo luận của cơ quan thẩm tra tập trung vào các nội dung về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết; căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý để ban hành Nghị quyết; các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách; việc quản lý quy hoạch đất đai để chuẩn bị thu hồi đất để tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư công; về phát triển Khu kinh tế Vân Phong; về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý; và các vấn đề có liên quan khác liên quan đến dự thảo Nghị quyết.
Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu tán thành việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu. Bên cạnh đó, một số đại biểu đã thảo luận, góp ý thêm về các nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Cần chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong
Nêu quan điểm việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép Khánh Hòa thực hiện một số cơ chế đặc thù là đúng và cần thiết, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng còn bốn chính sách chưa có cơ chế tương đồng gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa. Đó là cơ chế chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đai tại khu vực kinh tế Vân Phong; cơ chế chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý.
Theo đại biểu, qua các tài liệu và Tờ trình của Chính phủ cho thấy, các cơ chế, chính sách này đều có cơ sở thể hiện. Theo đó, đối với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vân Phong, Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09-NQ/TW là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Thực tiễn cho thấy, Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có Bắc Vân Phong đã từng là khu vực dự kiến hình thành khu hành chính kinh tế đặc biệt. Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92/2006/QĐ-TTg năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong khi đó khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều có cơ chế chính sách đặc thù. Bởi vậy, đại biểu đề nghị cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển.
Cùng chung quan điểm với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Cụ thể, đại biểu đề nghị cần mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực; cần có quy định trách nhiệm của các nhà đầu tư chiến lược khi không thực hiện được các cam kết; cần có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho việc phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.
Chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn cho phát triển kinh tế biển
Thảo luận về nhóm chính sách mới, đặc thù riêng cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các “cột mốc sống” trên biển, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo đại biểu, khuyến khích vươn khơi trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phức tạp về an ninh quốc phòng lại càng khó hơn. Nghề vươn khơi đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, rủi ro cao cả về thiên tai và nhân tai. Vì vậy, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi thực tiễn và đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước biển và áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 0% trong suốt vòng đời dự án nhưng tối đa không quá 30 năm cho cả khu vực, từ 3 hải lý trở ra.
Góp ý vào nội dung về chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của Khánh Hòa, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) ủng hộ cao cơ chế đặc thù này cho Khánh Hòa, song lưu ý đi đôi giao quyền cần quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong tổ chức thực hiện; nghiêm cấm việc chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài thuê lại.
Đề nghị chính thức thành lập mà không cần thí điểm Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa
Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng việc bổ sung nguồn lực sẽ phần nào giải quyết khó khăn.
Cũng cho ý kiến thảo luận về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) khẳng định rất cần thiết, nhằm bổ sung nguồn lực phát triển nghề cá, phát triển và nâng cao đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, theo đại biểu cái được lớn hơn rất nhiều của Quỹ này là giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nghề cá ở vùng biển Khánh Hòa phát triển sẽ là minh chứng sống động, là cột mốc chủ quyền di động vững chắc, bảo đảm cơ sở lịch sử, pháp lý hữu hiệu, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Với ý nghĩa quan trọng đó, đại biểu cho rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá ở Khánh Hòa là rất cần thiết, đã rõ và cần sự ổn định lâu dài. Vì vậy, đại biểu Ngô Trung Thành kiến nghị Quốc hội cho chính thức thành lập mà không cần phải thực hiện thí điểm. Đây sẽ là dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XV.
Phần cuối của phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.