Thoái vốn loạt công ty con, đầu tư dự án mới
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu chung của đề án tái cơ cấu TKV vừa được Chính phủ thông qua là đưa TKV thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Doanh thu đến 2025 của TKV hướng đến 853.500 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 108.100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, về yêu cầu về thoái vốn tại các doanh nghiệp mà TKV nắm giữ cổ phần cũng được đặt ra. Theo đó, TKV sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 1 công ty; giữ từ 65% vốn trở lên tại 10 công ty; 50-65% vốn ở 9 công ty. 15 công ty còn lại tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn hoặc 0%.
Sau khi tái cơ cấu, TKV được kỳ vọng mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho ngành than Việt Nam |
Tập đoàn tiếp tục hợp nhất các cặp công ty con (có hơn 65% vốn) bao gồm Công ty cổ phần Than Cọc Sáu và Công ty cổ phần Than Đèo Nai; Công ty cổ phần Than Núi Béo và Công ty cổ phần Than Hà Lầm. Công ty cổ phần Cromite Cổ Định - Thanh Hóa thực hiện thoái vốn theo đề án riêng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường sắp xếp theo đề án riêng theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.
Nguồn vốn thu được từ thoái vốn sẽ dùng để phát triển các dự án mới. Ngoài ra, TKV cũng được mở rộng thêm các kênh huy động dài hạn như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm tài chính ngân hàng bên cạnh phương thức huy động tài chính truyền thống.
Về cơ cấu tổ chức, theo đề án đã phê duyệt, TKV vẫn theo mô hình công ty mẹ - con. Công ty mẹ TKV (nhà nước nắm giữ 100 vốn điều lệ) thực hiện đồng thời hai chức năng chủ yếu là: sản xuất, kinh doanh; và đầu tư vốn vào các công ty con.
Đề án cũng nhấn mạnh vào các hoạt động nâng cao hiệu quả quản trị về tài nguyên, đầu tư, chi phí. Cụ thể, với quản trị tài nguyên, TKV sẽ tập trung cho việc xin giấy phép thăm dò, khai thác mỏ; Trong quản trị đầu tư, tập đoàn sẽ huy động nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, các dự án đầu tư thiết bị để nâng cao sản lượng, tăng năng lực đào lò, đầu tư các trung tâm chế biến.
Với quản trị chi phí, đề án đề cập nhiều đến cơ chế tuyển dụng, chi trả lương thưởng. Phương châm đặt ra cho TKV là ít người nhưng thu nhập cao; tiền lương bình quân của người lao động tăng nhưng chi phí lương của doanh nghiệp giảm; tiếp tục giảm tuyệt đối số lượng lao động; tăng tỷ trọng lao động trực tiếp, giảm tỷ trọng lao động gián tiếp trên cơ sở xã hội hóa toàn bộ công việc phục vụ trong doanh nghiệp; chỉ tuyển người chưa qua đào tạo với những ngành nghề mà thị trường không đáp ứng được.
Về sản xuất, tập đoàn phải tập trung nâng cao hiệu quả, tiếp tục áp dụng tin học hóa, cơ giới hoá, tự động hoá vào sản xuất. Với sản xuất điện, TKV sẽ xây dựng định hướng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đến 2025, tầm nhìn 2030.
16/19 đơn vị sản xuất vượt kế hoạch
Quyết định tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được cho là do doanh nghiệp Nhà nước này đang gánh khoản nợ phải trả khổng lồ. Không những thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV gặp nhiều khó khăn sau khi loạt lãnh đạo chóp bu bị kỷ luật, phải từ chức.
Tuy nhiên, tại Hội nghị công tác điều độ sản xuất, tiêu thụ than tháng 11/2023 tổ chức ngày 30/10/2023, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có báo cáo rất khả quan về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong tháng 10/2023, TKV đã sản xuất than nguyên khai đạt 2,960 triệu tấn, bằng 103,5% kế hoạch, luỹ kế năm đạt hơn 31,5 triệu tấn, bằng 80,7% kế hoạch năm.
Có 16/19 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch, tiêu biểu là Than Khe Chàm, Thống Nhất, Hạ Long, Hòn Gai, Hà Lầm, Hà Tu, Núi Béo, Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc; bóc xúc đất đá đạt 17,83 triệu tấn, bằng 120,7% kế hoạch, luỹ kế năm đạt hơn 112,4 triệu m3, đạt gần 80% kế hoạch năm; đào lò đạt 24.500m, bằng 101,8% kế hoạch, luỹ kế năm đạt 218.388m, bằng 79% kế hoạch năm; than tiêu thụ đạt 3,730 triệu tấn, bằng 93% kế hoạch, luỹ kế năm đạt hơn 39,5 triệu tấn, bằng 85% kế hoạch năm…
10 tháng đầu năm 2023, 16/19 công ty con của TKV vượt kế hoạch |
TKV nói gì về nợ khủng?
Trước đó, đầu năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Thời gian thực hiện kiểm toán diễn ra từ ngày 7/9/2022 đến ngày 31/10/2022. Kết quả cho thấy, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý, sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước của Công ty mẹ TKV và các đơn vị được kiểm toán còn có những hạn chế, tồn tại.
Nổi bật nhất, là tính đến tháng 6/2022, tập đoàn này ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến hơn 74 nghìn tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ là hơn 45 nghìn tỷ đồng.
Lý giải về số nợ hơn 74.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD) gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu (45.000 tỷ đồng) được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đại diện TKV cho rằng, bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng cần có nguồn vốn để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất và đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên. Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp đều phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các hình thức vay tín dụng, phát hành trái phiếu, xã hội hoá…
Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của TKV là 1,60 lần, giảm 0,37 lần so với năm 2020 (1,97 lần) và thấp hơn nhiều so với mức trần quy định 3 lần của Nhà nước. “Không chỉ năm 2021 và 6 tháng năm 2022, trong tất cả các năm TKV đều đảm bảo quy định về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn, thấp hơn giới hạn quy định của Nhà nước”, đại diện TKV cho hay.