Thai phụ N. đến Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê thăm khám khi có cơn đau bụng dữ dội sau 4 ngày đau âm ỉ, được chỉ định nhập viện với chẩn đoán theo dõi vỡ tử cung, sốc mất máu.
Do tình trạng nguy cấp, 5h25 phút ngày 27/7, gia đình chuyển chị N. đến Trung tâm Sản Nhi, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng sốc rất nặng, ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm, da niêm mạc nhợt, tái lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt (140 lần/phút, huyết áp tụt 80/50mgH), bụng chướng, tràn dịch ổ bụng nhiều, âm đạo không có máu.
BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, chỉ trong vòng 5 phút, các bác sĩ chạy đua cấp cứu cho thai phụ. Khi mở ra, tử cung bị vỡ phức tạp một đoạn dài 7cm từ góc phải tử cung tới đáy, một khối thai đã ra ngoài tử cung, khối thai còn lại nằm ở miệng đường vỡ tử cung.
Tình trạng bệnh nhân không thể giữ được thai, tuy nhiên các bác sĩ đã cố gắng khâu phục hồi bảo tồn ở mức độ tốt nhất, hy vọng người bệnh có thể tiếp tục mang thai và sinh con sau này. 4 giờ sau ca phẫu thuật, bệnh nhân dần ổn định và được cai máy thở, rút ống nội khí quản.
Theo BS Hưng, với trường hợp bệnh nhân N., nếu không được xử trí kịp thời và chính xác sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.
Sản phụ đang được bác sĩ thăm khám sau mổ |
Vỡ tử cung là gì?
Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ, nếu đến cả phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng là vỡ tử cung hoàn toàn, nếu lớp phúc mạc còn nguyên thì là vỡ tử cung không hoàn toàn. Vỡ tử cung tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hóa là vỡ tử cung phức tạp.
Vỡ tử cung là tai biến sản khoa nghiêm trọng đe dọa đến cả tính mạng của mẹ lẫn thai nhi, có thể xảy ra khi mang thai hoặc trong giai đoạn chuyển dạ.
Nguyên nhân vỡ tử cung được chia thành 3 nhóm nguyên nhân: do mẹ, do thai và do thầy thuốc gây ra.
Nguyên nhân vỡ tử cung từ mẹ: Do khung chậu méo, hẹp hay bất thường; Tình trạng tử cung dị dạng, kém phát triển hoặc tử cung đôi; Sẹo ở tử cung do phẫu thuật về phụ khoa hoặc do tiền sử sản khoa như mổ lấy thai cũ hoặc tổn thương lớp cơ tử cung khi bóc nhau nhân tạo hay nạo phá thai gây ra; Cơn co tử cung cường tính; Các khối u tiền đạo của người mẹ như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u tiểu khung hay âm đạo ngăn cách không cho thai xuống; Mẹ đẻ nhiều lần hoặc suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm chất lượng cơ tử cung kém.
Nguyên nhân do thai nhi: Thai to toàn phần hay từng phần; Thai bị dị dạng, dính nhau hay não úng thủy; Do các ngôi bất thường của thai (ngôi ngược, ngôi ngang), kiểu thế bất thường hoặc cúi không tốt.
Nguyên nhân do thầy thuốc: Các can thiệp thủ thuật đường dưới trong cuộc đẻ làm rách cổ tử cung kéo lên đoạn dưới; Các thủ thuật không đúng chỉ định và được làm không đúng kỹ thuật như forceps, giác hút, xoay thai; Làm các thủ thuật quá thô bạo; Dùng Oxytocin (thuốc tăng co) không đúng.
Triệu chứng vỡ tử cung:
Vỡ tử cung có thể xảy ra vào giai đoạn đang mang thai hay trong giai đoạn chuyển dạ. Triệu chứng vỡ tử cung khi mang thai thường không điển hình chủ yếu là đau bụng tự nhiên, đau nhiều ở vùng tử cung, đau ngày càng tăng lan ra toàn ổ bụng. Âm đạo có thể ra máu đỏ tươi.
Đối tượng sản phụ nguy cơ vỡ tử cung: Sản phụ có tiền sử mổ lấy thai trong lần mang thai kế tiếp có nguy cơ vỡ tử cung do vết mổ cũ; Sản phụ có khung chậu và tử cung bất thường; Sản phụ có tiền sử đẻ con có ngôi bất thường (ngôi ngược, ngôi ngang); Sản phụ có các bệnh lý nội khoa trong lúc mang thai