Để có được món ăn này, người dân phải "đi săn" trên đỉnh Nga Sơn và nó chỉ xuất hiện sau những cơn mưa rào mùa hè.
Món ăn "kỳ quái"
Được sự giới thiệu của một người bạn quê ở Nga Sơn, tôi hồ hởi về vùng đất này, để được mục sở thị về món ăn "kỳ quái". May cho tôi, đêm đầu tiên ở Nga Sơn, trời mưa tầm tã. Sáng hôm sau, khi trời vừa tạnh ráo, tôi đã nghe chủ nhà và mấy bà hàng xóm í ới gọi nhau lên núi lấy máng (người dân địa phương nơi đây thường gọi rêu đá là máng)
Chuẩn bị đồ nghề gồm bao tải, găng tay, ủng... tôi theo chân người dân địa phương lên núi. Từ xóm 12 - Nga An vào khu vực núi có máng không xa lắm, nhưng do trời mưa, nên đường đi vào khá khó khăn. Nhóm lấy máng có gần chục người, họ đều là những người có kinh nghiệm lấy máng từ nhiều năm nay. Mọi người dặn dò tôi phải mặc đồ bảo hộ cẩn thận, bởi trời vừa mưa xong leo núi rất khó khăn, hơn nữa lại rất nhiều muỗi vằn.
Khu vực sườn núi mà chúng tôi trèo lên tìm máng gần sát nơi khai thác đá của một cơ sở. Thế nên, chưa leo núi, tôi đã có thể cảm nhận được sự nguy hiểm ở nơi đây, bởi phần chân núi có những điểm đã bị đánh mìn làm rạn nứt và phía trên sườn núi lại là những cạnh đá sắc nhọn như lưỡi dao.
Rêu nằm xen lẫn với các lớp đá trên núi. |
Leo được một đoạn tôi đã thấy được những cụm máng đầu tiên. Máng nằm ở trên những sườn núi đá vôi, có thể mọc ở các kẽ đá, dưới chân bụi cỏ, thậm chí ở ngay trên mặt phiến đá, mỏm đá. Có cụm to bằng vốc tay, cũng có cụm to bằng cái thúng, cái mẹt, thậm chí to bằng cả cái chiếu. Tuy vậy, không phải cứ chỗ nào có đá là có máng, bởi máng nằm rải rác trên khắp sườn núi, có những khi tìm kiếm một lúc lâu vẫn không thấy một cụm nhỏ nào, nhưng cũng có khi, thấy cả một vùng lớn. Máng được hình thành nhờ nước mưa đọng lại trên các phiến đá.
Máng rất mọng nước, mềm mềm, nhũn nhũn và có mùi hơi tanh, màu xanh vàng. Người dân nơi đây đi lấy máng về nhà, phải tiến hành ngâm nước, nhặt hết rác bẩn. Để có thể ăn được, họ sẽ trần qua nước sôi để "khử trùng", sau đó mới chế biến thành các món ăn tùy ý. Nếu như không ăn hết, họ cho ra những cái mẹt, rồi đem phơi khô để dành.
Cô Mai Thị Thiện kể, để máng được khô, phải phơi từ 5 - 6 ngày nắng to mới đạt yêu cầu, bởi máng chứa rất nhiều nước. Chính vì vậy, khi muốn ăn, người ta lại phải ngâm máng khô trong nước cả ngày trời để máng ngấm nước trở lại mới có thể sử dụng. Cô Thiện nói với tôi: "Khi có nước thì nhìn nó thế đấy, chứ đem về phơi khô lên rồi nó lại cong queo như mộc nhĩ ấy. Thế nên, ở đây, máng còn có tên gọi là mộc thạch hay hoa đá. Máng khô ăn sẽ ròn hơn. Tuy nhiên, máng ăn tươi vẫn là ngon nhất, chứ để phơi khô, vừa hao mà lại mất đi độ ngậy, độ ngọt mát của máng".
Một người dân phụ họa thêm "Nó cũng không hẳn là giống mộc nhĩ đâu, vì lúc khô máng chỉ còn là những sợi nhỏ tí, đan vào nhau không thành hình dạng, lại rất ròn, nên phơi khô rồi thì rất dễ bị vụn ra, không giữ nguyên được hình như mộc nhĩ nữa".
Trời mưa xong là người dân xã Nga An đi lấy máng. |
Bỏ mạng vì... rêu
Thành quả gần 2 tiếng đồng hồ làm việc là mấy bao tải máng, ước chừng mỗi người cũng được khoảng 25 - 30kg. Ngay khi vừa về tới nhà, mọi người nhanh chóng tiến hành công việc rửa máng. Máng nằm ở đất đá nên phải rửa đến cả chục lần mới sạch. Người phụ nữ tên Minh cho biết, người ta có thể chế biến máng thành nhiều món ăn khác nhau. Nhưng người dân nơi đây, thường để ăn sống, chấm với mắm tôm và kẹp bánh đa ăn, người nào cầu kỳ hơn thì có thể làm nộm giống như nộm sứa hoặc xào với lòng gà. Tôi rất mong được thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Mùa máng cũng là mùa gặt, thành ra không phải gia đình nào cũng tranh thủ được thời gian đi lấy máng, thế nên khi bà Minh đang rửa máng, tôi đã thấy 3, 4 người đến mua máng về ăn. Máng tươi được bà Minh bán với giá 30.000đ/kg. Chỉ một loáng, hơn 30kg máng đã được mọi người mua hết.
Trong bữa cơm trưa bên gia đình bà Minh, tôi được gia đình bà kể cho những tai nạn thương tâm mà những người đi lấy máng gặp phải, có người đã bỏ tính mạng nơi vực sâu. "Cách đây hơn chục năm rồi, có một người cùng xóm này tên là Mai Ngọc Thanh đã chết vì đi lấy máng. Khu vực anh ta lấy máng là ngọn núi rất cheo leo. Khi ấy, anh Thanh đã lấy được khá nhiều máng. Tuy nhiên, vì tiếc những cụm máng to ở phía mỏm núi, một tay anh xách bì máng, bám vào một cạnh đá, rướn người ra phía ngoài, tay còn lại cố vơ lấy cụm máng kia. Khổ nỗi, do trời vừa mưa xong, nên đá ở khu vực đó rất trơn. Hòn đá anh Thanh bám không giữ nổi tay anh ấy. Vậy là anh ấy lao mình xuống lòng vực và chết".
Rêu đá là món ăn đặc sản của người dân xã Nga An. |
Anh Hà Văn Ngọc - cháu bà Minh còn nói thêm với tôi rằng: "Chuyện tai nạn khi đi lấy máng xảy ra như cơm bữa. Đã thế, cứ những khu vực nguy hiểm lại có nhiều máng, thế nên biết là nguy hiểm, nhưng vì thấy lợi nhuận thu được cao, nên người dân vẫn ham đi".
Mới mùa mưa năm trước, có trường hợp của một anh công nhân khu khai thác đá gần đó, thấy người dân đi lấy máng cũng háo hức đi theo. Nhưng anh này là người vùng biển đến đây, nên leo núi không sành sỏi lắm. "Anh ta leo đến khu vực có nhiều máng, nhưng chỗ đó gần khu khai thác đá, vậy nên đá khu vực đó không được vững, có nhiều hòn đá đã bị lung lay. Anh ta bước chân lên, khi đang định cúi người nhặt máng thì hòn đá bật ra, anh bị ngã xuống vực may thay chỉ bị gãy tay", cụ Mai Thị Tiếp cho biết.
Anh Mai Văn Thuận, cán bộ xã Nga An cho biết, máng là món đặc sản của người dân Nga An - Nga Sơn, được người dân nơi đây ưa chuộng mỗi khi mùa hè đến. Đôi khi, máng còn được đánh giá là một thứ hàng hiếm, bởi chỉ sau khi mưa to, mới có. Thế nên, với người dân nơi đây, nguồn lợi nhuận thu được từ máng không hề nhỏ. Chính vì vậy, dù biết có những hiểm nguy rình rập, nhưng mọi người vẫn ham đi lấy máng. Vui vì đây là một nét đặc sản của quê hương, nhưng ngẫm lại cũng thấy thật buồn, khi nghĩ về sự đánh đổi quá đắt của những người thợ máng.