Khảo sát mới đây của trang web tìm kiếm về du lịch Skyscanner với khoảng 10.000 hành khách trên toàn thế giới, gần nửa số người được hỏi cho biết điều làm họ thích thú nhất khi có mặt ở sân bay Changi là được xem phim (49%), kế đó mới đến chỗ ngả lưng (sleep pod – 36%), đọc sách (32%), công viên cây xanh (31%), mỹ phẩm (30%), sân chơi cho trẻ em (21%), hồ bơi (20%), phòng tập thể hình (15%)…
Vậy nên nhiều người Singapore đến Changi không chỉ để làm thủ tục lên máy bay, đón tiễn bạn bè người thân hay để xem phim miễn phí mà chủ yếu để mua sắm. Một trong những yếu tố hấp dẫn ở sân bay tốt nhất thế giới này là hầu hết các cửa hàng bán lẻ ở khu vực công cộng phía ngoài ba nhà ga đều được miễn 7% thuế hàng hóa và dịch vụ. Các quầy hàng bán đồ ăn nước uống (F&B) hay dịch vụ chăm sóc cá nhân như tiệm làm tóc vẫn thu thuế nhưng các nhà hàng thì phải phục vụ nước lọc miễn phí nếu thực khách yêu cầu.
Changi Airport (Singapore) là sân bay tốt nhất thế giới. |
Với tổng diện tích 75.000 mét vuông, tương đương 10 sân bóng đá và hơn 330 cửa hàng bán lẻ và dịch vụ cùng với 120 quầy hàng F&B, Changi trở thành khu mua sắm lớn thứ hai Singapore (chỉ sau VivoCity). Theo công bố của tập đoàn sân bay Changi (CAG), năm 2012 doanh số bán lẻ tại Changi đạt 1,8 tỉ đô la Singapore, tăng 12% so với năm 2011 - chiếm 50% tổng doanh thu của CAG. Điều này có được là nhờ số lượng hành khách đến sân bay Changi hàng năm đều tăng với 51 triệu hành khách trong năm 2012, tăng 10% so với năm 2011 (46,5 triệu). Nguồn thu này đã hỗ trợ cho sân bay trang trải các chi phí về tiện ích và dịch vụ hàng không của thế giới. Một nguyên nhân dẫn đến Changi có được doanh thu bán hàng ‘”khủng” là do luôn tổ chức các chương trình khuyến mãi và quy định không được bán giá cao hơn giá các cửa hàng bán lẻ khác trong thành phố.
Changi Airport đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Singapore. Mọi người đến đây vừa mua sắm, được thư giãn lại thưởng ngoạn cảnh máy bay hạ cánh hay cất cánh trong khi ăn uống, gặp gỡ bạn bè. Các cửa hàng ăn nhanh như McDonald’s hay Burger King là nơi cho trẻ em vui chơi và học sinh tụ tập học nhóm.
Đây không chỉ là sân bay mà là khu đô thị hàng không phức hợp, có đủ từ giải trí đến mua sắm. |
Với du khách, là hạng sang hay du lịch “bụi” đến sân bay Changi cũng sẽ được hưởng nhiều tiện ích hay dịch vụ miễn phí hay giá rẻ như có chỗ để có thể ngủ cả ngày, tắm rửa, bơi lội…Nếu quá cảnh Singapore hơn 5 tiếng đồng hồ sẽ được cấp giấy phép đặc biệt rời sân bay để tham gia chương trình tham quan thành phố, khám phá thiên nhiên, tận hưởng các món ăn ngon hay chương trình giải trí đặc sắc. Những ai không thích đi ra ngoài tham quan, giải trí hay mua sắm thì có thể ở trong sân bay tản bộ trong những khu vườn không gian mở. Khi đói cũng không nhất thiết phải vào nhà hàng mà có thể đến căng-tin dành cho nhân viên làm việc ở sân bay. Nơi đây có mức giá tương tự các khu ăn uống bình dân với chất lượng không thua kém, dù có phải trả hơn vài chục phần trăm nhưng mọi người vẫn hài lòng.
Nơi thử tài nhà kiến trúc
Sân bay là nơi để đưa con người lên bầu trời, ngoài việc phải có những đường băng đủ tiêu chuẩn, hệ thống dẫn đường cho máy bay cất hạ cánh thì nhà ga là một công trình không thể thiếu, nơi để đáp ứng mọi nhu cầu bắt buộc hay tự nguyện của mỗi hành khách. Ở đó phải có phòng đăng ký vé máy bay đến quán cà phê, từ cửa khai hải quan đến phòng đổi ngoại hối, những cửa hàng miễn thuế …., khu dành riêng cho các các nhà vận chuyển, dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng, nơi đặt các trung tâm điều hành, kiểm soát an ninh hiện đại. Đó thường là những công trình đồ sộ, được ở trong khoảng không gian thoáng đãng và phải đầu tư khá nhiều tiền của,.
Vì vậy, trách nhiệm của các kiến trúc sư, cha đẻ của những nhà ga hàng không - khu liên hợp công nghệ cao này thật nặng nề và còn nặng nề hơn khi họ phải tạo ra công trình “hoành tráng” gây ấn tượng cho du khách khi đặt chân đến miền đất mới. Nhưng đây cũng là nơi để cho các nhà thiết kế “thả hồn” phóng nét vẽ, tạo nên những kiến trúc độc đáo.
Sân bay với kiến trúc độc đáo. |
Kể từ năm 1940 đến nay, số lượng các sân bay trên thế giới đã tăng gấp 20 lần, do đó khối lượng làm việc của giới kiến trúc sư thật khủng khiếp và họ cũng cho ra đời những nhà ga cực kỳ ấn tượng như ở sân bay Bilbao – Sondica, tác phẩm của kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava với các nóc nhà sáng loáng trông giống như một chú chim chuẩn bị cất cánh.
Trong khi đó, sân bay quốc tế Learmonth, gần Exmouth của Australia được xây dựng năm 1999 do Jones Coulter Young thiết kế, với toàn bộ các đường cong sơn màu, trông xa giống hình thù một chú cá mập đang lừ lừ bơi. Đây cũng là con vật đặc trưng của vùng biển san hô nổi tiếng gần đó, điểm đến số 1 của những hành khách yêu thích bộ môn lặn. Còn Von Gerkan và Marg tác giả của sân bay quốc tế Berlin – Brandenburg (BBI) một trong chín sân bay hiện đang được xây dựng tại “cựu lục địa” sẽ khánh thành vào năm 2011, để có thể đón 22 triệu lượt khách/năm đã cho xây dựng chiếc cầu trong suốt cao 25 m dành cho người đi bộ, nối giữa ga sân bay với các khu vệ tinh, để hành khách có thể ngắm toàn cảnh sân bay. Hay như nhà ga sân bay quốc tế mới Barajas (Madrid, Tây Ban Nha) do Công ty Richard Rogers Partnership thiết kế. Công trìnhdài 1,2 km được thể hiện như “một biểu đồ thẳng với các chuỗi không gian ngoạn mục” đáp ứng hiệu quả yêu cầu cho việc luân chuyển khách và hàng hoá một cách liên tục. Đồ án này đã đoạt giải Stirling năm 2006 của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh, được coi có đóng góp lớn cho sự phát triển của kiến trúc.
Còn ở Châu Á, nơi có những nền kinh tế năng động, vận tải hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới đã và sẽ cho ra đời những sân bay cực kỳ ấn tượng cả về quy mô cũng như ý tưởng kiến trúc. Sau thành công của kiến trúc sư Renzo Piano, tác giả nhà ga sân bay Kansai tựa như một con chim khổng lồ xoè hai cánh với nóc lầu có hình uốn lượn như sóng.
Đặc biệt đây là công trình đầu tiên xa rời vật liệu bê tông truyền thống, chủ yếu dùng hệ thống thanh giằng bằng thép không gỉ lắp ráp với kính màu để tạo nên nhà ga dài đến 1,7 km có 4 tầng lầu, tổng diện tích hơn 300 nghìn m2. Vật liệu mới đảm bảo có được không gian rộng lớn, thu được nhiều ánh sáng, giảm trọng lượng của công trình. Từ đó đã dấy lên phong trào xây dựng các terminal cực lớn bằng những thiết kế ấn tượng. Điểm mặt có sân bay Chek Lap Kok của Hồng Kông, một trong những sân bay lớn của thế giới do kiến trúc sư người Anh Norman Foster đảm nhiệm có thể đón 80 triệu lượt khách /năm vào năm 2040. Nhìn từ trên cao, Chek Lap Kok trông giống như một chim công khổng lồ đậu trên đảo Lantau. Kiến trúc sư người Nhật Bản Kisho Kurokawa lại chọn khu rừng rậm làm địa điểm khi thiết kế sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) của Malaysia.
Chính vì địa thế đó mà trông nhà ga của sân bay như một con mãnh thú với các móng vuốt bằng kim loại nổi lên trên vùng thảm thực vật xanh mướt. Các toà nhà hoạt động nhịp nhàng theo các mô đun hình parabol đặt trên các cột có thân hình nón: một sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và kiến trúc hồi giáo truyền thống. Trong đó chứa đủ các khách sạn, cửa hàng cao cấp, nhà hàng, phòng họp báo…
Còn kiến trúc sư người Pháp Pau Andrew lại tâm đắc với kiến trúc bản xứ, tạo ra sân bay quốc tế Jakata, Indonesia có các nóc nhà mang nét cong chùa chiền và những cột trụ sơn đỏ. Cũng nằm trong ý tưởng hoà đồng với văn hoá bản địa, Fentress Bralburm đã thiết kế mái nhà ga sân bay Denver (Mỹ) theo hình mái lều của thổ dân da đỏ với vật liệu màng sợi thủy tinh. Những hình khối này trở nên lung linh, huyền ảo trong ánh điện khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng khi xuống đây vào ban đêm; chung ý tưởng, sân bay Haj Terminal ở Djedda (Arap – Saudi) lại mang hình dáng những chiếc lều của những người Arab du cư trong sa mạc.
Công việc thiết kế nhà ga hàng không ngày càng đòi hỏi khắt khe, ngoài bảo đảm ứng dụng các công nghệ tiến tiến hiện đại cho việc xây dựng một công trình đồ sộ, đáp ứng cho việc vận hành một cách an toàn, nhanh chóng, chính xác cho lưu lượng hành khách và hàng hóa cực lớn, còn phải là công trình “ấn tượng”. Vì vậy, thiết kế nhà ga sân bay cần các kiến trúc sư vừa có tâm hồn lãng mạn nhưng cũng phải có tác phong làm việc cực kỳ nghiêm túc.