Ảnh minh họa. |
Nào là cửa hàng quần áo này giảm giá 50%, chỗ này có bán váy mùa hè đẹp lắm, lại cả chuyện có cái áo phông hơn chục triệu, đôi dép gần hai chục triệu... Họ say sưa kể, thi nhau thể hiện sự hiểu biết của mình về thời trang, giá cả... Tôi hỏi một cuốn sách mới ra, họ trả lời ừ hữ cho qua, để rồi lại tiếp tục câu chuyện của mình. Chán!
Lâu nay tôi không có thói quen vào mấy hiệu sách của nhà nước để mua. Thứ nhất sách bán đúng giá bìa, trong khi đó vào các hiệu sách tư nhân luôn được giảm giá, ít nhất là từ 20% trở lên. Thứ hai là thái độ của những người bán hàng cứ hững hờ, thờ ơ như thời mậu dịch quốc doanh vậy.
Còn ở hiệu sách tôi hay mua trên phố Đinh Lễ, hỏi cuốn sách nào cô bán hàng cũng có thể nói ngay là còn hay hết, chính xác ở vị trí nào, của tác giả nào, hay hay dở, bán chạy hay không, tác giả này mới có cuốn nào, sắp ra sách gì... Mỗi lần đến, được chuyện trò, trao đổi với cô thật thú vị, chứ không như những người bán hàng kia chỉ trả lời cho xong.
Nhiều khi cái sự thích đọc sách được khơi dậy từ những sự rất tình cờ. Nghe người ta bàn về một cuốn sách mới ra, mình chưa đọc, tự dưng thấy lạc hậu... là phải tìm đọc ngay. Lên facebook, thấy bạn bè khoe một cuốn sách hay, mình chưa có, lại phải phóng ra hiệu sách liền... Hay có khi vào hiệu sách, lơ ngơ chưa biết tìm sách gì để tặng bạn, được cô bán hàng nhiệt tình giới thiệu với vẻ đầy hiểu biết và say mê, tự dưng phải mua thêm mấy cuốn về đọc.
Đừng coi nhẹ công việc của những người bán sách. Họ là cầu nối giữa nhà xuất bản và người đọc. Một người bán sách phải yêu và hiểu biết về sách, phải đọc và có những kiến thức nhất định về văn học, có thế họ mới khơi lên ham mê sách ở người đọc.
Ngày 21/4 đã được quyết định là Ngày sách Việt Nam. Một ngày để người ta nói về sách, đi tìm và đọc sách... Cũng nên là ngày để tôn vinh những người bán sách nữa.