Sabeco, Habeco “rủ nhau” nộp đơn xin niêm yết trên sàn chứng khoán
(Kiến Thức) - Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP HCM (HOSE), vừa qua Sabeco, Habeco, Vinatex, ACV... đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Theo số liệu được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố trong buổi họp báo chuyên đề tháng 9/2016, tính đến ngày 15/9/2016 có 325 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 76,000 tỷ đồng, giá trị vốn thị trường đạt 111,000 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, HNX đã có 77 doanh nghiệp được chấp thuận đăng ký giao dịch mới, tương ứng tổng giá trị đăng ký giao dịch mới đạt 25,310 tỷ đồng, đồng thời, hủy đăng ký giao dịch 1 doanh nghiệp.
Trong danh sách doanh nghiệp nộp đơn đăng ký niêm yết trên, có một số doanh nghiệp đầu ngành mới nộp hồ sơ như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng), Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV (21.771 tỷ đồng), Tổng công ty Điện lực TKV (6.800 tỷ đồng), Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (1.050 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (1.400 tỷ đồng)...
Tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), một "ông lớn" khác cũng mới nộp hồ sơ xin gia nhập sàn chứng khoán là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo công văn đề xuất chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE của Sabeco, căn cứ theo các quy định hiện hành thì Sabeco đã đủ điều kiện và cần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán.
Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn sàn HOSE để niêm yết.
Về thời gian niêm yết, Sabeco cho biết sẽ chủ động thực hiện làm việc với các đơn vị tư vấn niêm yết và thoả thuận về mặt nguyên tắc. Được biết, hiện Sabeco đang thực hiện thương thảo, và dự kiến sẽ ký hợp đồng tư vấn niêm yết với Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng trước ngày 20/9.
Trước đó, cuối tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM).
Chính phủ đã có yêu cầu với trường hợp Habeco, Sabeco phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích nhất cho nhà nước. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc cần phải được áp dụng chung với tất cả các doanh nghiệp khi bán vốn nhà nước.
Dự kiến đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81.79%), tương đương 9,000 tỷ đồng trong năm 2016. Thoái vốn tại Sabeco được đề nghị theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53.59% vốn điều lệ, tương đương 24,000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16,000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco niêm yết.