Từng là nhà mạng nổi tiếng ở Việt Nam đi đầu trong việc phá vỡ thế độc quyền viễn thông di động của VNPT trước đó nhưng danh tiếng của S-Fone cũng ngày một giảm dần với việc nợ nần chồng chất.
Gánh nợ khổng lồ
Con số chính thức về các việc nợ nần của S-Fone không được nhà mạng này công bố nhưng theo số liệu từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thì hiện đơn vị đầu tư mạng S-Fone là Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) đang nợ quỹ này khoảng 100 tỷ đồng. Còn theo nguồn tin từ Bộ Thông tin và truyền thông, công ty SPT không chỉ nợ quỹ trên mà còn nợ Bộ các khoản phí từ hạ tầng viễn thông. Được biết, lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có văn bản trình lên lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nợ nần của công ty SPT và cũng có văn bản đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo vấn đề này.
S-Fone đứng trước nguy cơ bị khai tử. Ảnh: Internet. |
Trong khi đó, công ty này còn phải đối mặt với những khoản nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê trụ sở văn phòng Hà Nội... với số tiền lên đến khoảng 50 tỷ đồng. Nhân viên cũ của công ty vẫn ăn trực ngồi chờ ở đây để đòi tiền lương mà mình chưa nhận được nhiều năm tháng qua.
Trước đó, lãnh dạo SPT từng xác nhận họ đang phải gánh khoản nợ khổng lồ bao gồm phí tần số, kho số, viễn thông công ích, phí hạ tầng nhà trạm... Phí thuê băng tần nhà mạng phải trả cho cơ quan quản lý hiện nay là 2,6 tỷ đồng mỗi MHz sử dụng một năm. Số tiền này nhân với số băng tần sử dụng của mỗi nhà mạng sẽ ra số tiền phải trả. Việc S-Fone không đóng phí băng tần vài năm nay khiến số tiền nhà mạng phải trả cho cơ quan quản lý có thể lên tới trăm tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý thu hồi băng tần của S-Fone dù đơn vị này có đang hoạt động hay không. Hiện S-Fone gần như không còn thuê bao nào, mạng lưới tê liệt và không có lưu lượng phát sinh.
Được biết, để giải quyết tình trạng khó khăn, công ty SPT vẫn muốn tìm nhà đầu tư vào mạng di động S-Fone. Nhưng khi đối tác SK Telecom rút khỏi mạng này thì đã vài năm nay công ty này không tìm được nhà đầu tư.
Thời hoàng kim... nay còn đâu
Tháng 7/2003, S-Fone tham gia vào thị trường viễn thông Việt Nam. Nhà mạng này được cấp cho băng tần 850 MHz và đầu số 095. Băng tần 850 MHz được đánh giá thuộc loại tốt, nhiều quốc gia châu Mỹ như Canada, Mỹ, Brazil... sử dụng (cùng với 1900 MHz). Ngoài 2G, băng tần này có thể sử dụng để phục vụ cho nền mạng 3G.
S-Fone ra đời từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa 2 đối tác bao gồm SPT và SLD Telecom (liên doanh giữa SK Telecom, LG Electronics và DongA Elecom - trong đó SK Telecom chiếm phần lớn vốn). Đây là nhà cung cấp dịch vụ di động công nghệ CDMA (Code Division Multiple Access - đa truy cập phân chia theo mã) đầu tiên của Việt Nam. Tổng vốn đầu tư hạ tầng cho S-Fone lên đến 543 triệu USD.
Năm 2008, S-Fone có hơn 3,1 triệu thuê bao nhưng chưa chiếm được thị phần đáng kể so với các nhà cung cấp dịch vụ di động dùng công nghệ GSM như VinaPhone, MobiFone, Viettel...
Nhân viên S-Fone tụ tập yêu cầu lãnh đạo nhà mạng S-Fone trả tiền nợ lương. Ảnh: Người lao động. |
Đến năm 2010, tình hình kinh doanh viễn thông càng khó khăn khiến S-Fone phát triển chậm chạp và đi xuống. Số lượng thuê bao rời mạng ngày càng nhiều, trong khi số lượng thuê bao hòa mạng mới là rất ít. S-Fone yếu dần do sức ép cạnh tranh dữ dội từ các nhà mạng khác, cũng do bị cô lập về thiết bị đầu cuối khiến S-Fone không thể phát triển được. Một phần cũng vì S-Fone là nhà cung cấp CDMA duy nhất sau khi HT Mobile và EVN Telecom lần lượt phải chuyển sang GSM (mạng Vietnamobile) và bán mình cho Viettel. SK Telecom quyết định rút khỏi S-Fone khiến SPT buộc phải tìm đối tác cho mạng S-Fone.
Năm 2011, số lượng thuê bao của S-Fone còn rất ít. Để tránh bị thua lỗ nặng, S-Fone bắt đầu cắt các trạm BTS của mình trên toàn quốc. Vùng phủ sóng dần bị thu hẹp lại, chỉ còn ở các thành phố lớn và miền nam Việt Nam.
Đầu năm 2012, SPT xác định kế hoạch "thay máu" công nghệ, khai tử CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 850 MHz. Điều này có thể tốn tới hàng trăm triệu USD để thay toàn bộ mạng vô tuyến.
Tháng 7/2012, S-Fone bất ngờ ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên. Tất cả các điểm giao dịch đều đóng cửa. Website chính thức của S-Fone ngừng hoạt động. Tháng 12/2012, lãnh đạo doanh nghiệp xác nhận đã mất khả năng chi trả.
Đầu năm 2013, nhiều cựu nhân viên của S-Fone chi nhánh Hà Nội đã treo biểu ngữ trước chi nhánh SPT Hà Nội đòi lãnh đạo SPT phải trả nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp. Vào thời điểm đó, lãnh đạo SPT hứa sẽ giải quyết các vấn đề của người lao động, tuy nhiên cũng khẳng định công ty mẹ đang rất khó khăn.
Hiện văn phòng ở Hà Nội đã bị niêm phong do không trả được nợ. Không được làm việc tại văn phòng nhưng khoản tiền thuê hàng tháng vẫn tiếp tục là khoản nợ, một lãnh đạo SPT cho biết.
Trước thực tại bi đát của S-Fone, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay với S-Fone là tuyên bố phá sản và các vấn đề sẽ được giải quyết theo Luật Phá sản. Đó là hướng giải quyết tốt nhất và không kéo công ty SPT chìm nhanh theo S-Fone.