Tối ngày 14/10, sau giờ tan tầm, một cô gái trẻ bất ngờ gặp người yêu cũ trên phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tình yêu 5 năm với nam thanh niên này trong lòng cô gái đã nguội tắt từ năm 2016 nhưng lại đọng lại trong tâm trí nam thanh niên này sự hận thù. Sự cuồng ghen ích kỷ ấy đã khiến nam thanh niên lạnh lùng xuống tay dùng dao đâm trọng thương cô gái. Trước đó nam thanh niên này đã nhiều lần nhắn tin đe dọa “chém chết” và “tạt axit” cô gái để ngăn cản cô gái đến với người khác.
Chỉ trước đó ít giờ, tại quán café Bill Lee (xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), biết tin người yêu cũ đang ngồi tâm sự cùng bạn trai mới, sự cuồng ghen nổi lên, Phạm Văn Nhật (22 tuổi, trú tại xã Đại Bản, huyện An Dương, Hải Phòng) đã đến quán café này. Tại đây, khi xảy ra mâu thuẫn với Phạm Ngọc Hải (SN 1995, trú tại xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), Nhật đã dùng dao cướp đi mạng sống của Hải.
Cô gái bị người tình cũ đâm trên phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội). |
Hai vụ án trên ở hai thời điểm khác nhau, hai vị trí khác nhau nhưng chung nhau một điểm, những đối tượng phạm tội đều có chung tâm lý cuồng ghen mất hết lý trí dẫn đến những hành vi không kiểm soát. Tuy nhiên, đây không phải là những vụ vụ án “tình” đầu tiên gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc.
Trước đó, vào tháng 4/2018, một nữ giáo viên tại quận Bình Thạnh (TP HCM) đã bị người chồng sắp cưới cũng là nam giáo viên cùng trường dùng dao sát hại. Khi đó, nữ giáo viên và đối tượng phạm tội đã tính đến chuyện hôn nhân nhưng khi phát hiện chồng sắp cưới “bắt cá hai tay” nên quyết định hủy đám cưới. Tình yêu hóa hận thù, nam giáo viên được đánh giá là hiền lành hóa thành hung thủ cướp đi mạng sống của chính người mình yêu thương.
Vào năm 2017, người dân Quảng Nam cũng rúng động bởi việc một nữ sinh bị người yêu sát hại dã man bằng 15 nhát dao. Kẻ gây ra thảm án không ai khác chính là người từng chung sống với nạn nhân.
Điều đáng buồn sự man rợn trong những vụ án mạng vì tình ngày càng nhân lên tột cùng của cái ác. Khi Nguyễn Đức Nghĩa cứa cổ người tình rồi chặt xác phi tang, dư luận đã phải thốt lên cái ác đã đạt đến đỉnh điểm nhưng khi Nguyễn Hải Dương vì mâu thuẫn tình cảm mà sát hại 6 người trong một gia đình thì mọi ngôn từ cũng không thể miêu tả hết về cái ác.
Vì sao cái ác ngày càng man rợn đến mức người ta sẵn sàng cướp đi mạng sống của những người mà họ yêu thương? Vì sao cái ác ngày càng nhân lên trong xã hội? là những câu hỏi thường xuyên được đặt ra sau khi xảy ra những vụ án tình tàn ác, dấy lên sự bàng hoàng trong xã hội. Bởi đó là một nỗi đau của toàn xã hội chứ không chỉ của gia đình các nạn nhân, tội ác ngày càng gia tăng khiến con người luôn phải đối diện với những nỗi sợ hãi, ám ảnh bởi những phương thức gây án quá tàn bạo mà những vụ án đã xảy ra là minh chứng rõ ràng nhất.
Nỗi lo lắng của người dân không phải không có cơ sở khi đa số những vụ án tình, kẻ cuồng ghen thường không có động cơ từ trước, chỉ vì những phút tức giận bộc phát, ghen tuông không kiềm chế được bản thân, những con người vốn hiền lành hóa sát nhân gây ra những vụ án mạng kinh hoàng với phương thức vô cùng tàn ác.
Tình yêu giúp con người thăng hoa nhưng cũng vùi lấp con người ta xuống địa ngục bởi khi không được đáp lại bằng tình cảm, con người dễ dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức, lệch chuẩn về hành vi, khơi gợi những góc tối, những tính ác vốn được kiềm chế trong tâm thức và chỉ cần một sự kích động, cái ác sẽ trỗi dậy khiến người ta hành động theo bản năng, bất chấp hậu quả.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, còn “tảng băng chìm” là nguyên nhân chính dẫn đến sự hiện hữu của cái ác ở bất cứ thời điểm nào chính là sự xuống cấp của đạo đức, trong khi đó, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao. Cùng với những tác nhân như sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất, tiêu cực trong đời sống ngày càng gia tăng, vấn đề trong nhận thức của một bộ phận người ngày càng buông lỏng lối sống, mất niềm tin và phương hướng…dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.
Khi cái ác không bị lên án mạnh mẽ, quyết liệt, khi con người chấp nhận sống chung với cái ác và coi đó là chuyện rất bình thường. Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Khi một số cơ quan truyền thông vẫn còn tình trạng khai thác thái quá các tình tiết trong nhiều vụ án nghiêm trọng dẫn đến phản tác dụng của sự tuyên truyền. Khi cha mẹ vẫn dạy con cái lấy cái ác để chống cái ác, thậm chí cha mẹ còn là hình ảnh để cái ác ngự trị trong tâm trí con cái mình. Khi nhà trường còn có tình trạng cô giáo bạo hành học sinh, phụ huynh hành hung cô giáo. Thì tất cả những thứ đó sẽ là mầm mống sản sinh ra cái ác. Việc liên tiếp xảy ra những vụ án mạng là điều không khó để lý giải.
Làm sao triệt tiêu được cái ác trong mỗi con người? Đó là câu hỏi khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, mổ xẻ giải thích về tâm sinh lý tội phạm cũng như đưa ra những giải pháp. Tuy nhiên, đến nay những vụ án liên quan đến tình cảm vẫn diễn biến phức tạp, đó là minh chứng rõ nhất cho việc chưa tìm ra giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề.
Thực tế, cái ác sẽ không còn chỗ đứng nếu con người sống nhân văn, biết cân bằng tâm lý và tha thứ, biết hài hòa trong sự ứng xử và hành động; biết bao dung và tương tác, biết sống chân chính và đàng hoàng. Nhưng muốn một con người hướng đến chân, thiện mỹ thì cốt yếu vẫn ở tam giác giáo dục: “Nhà trường, gia đình và xã hội”.
Tiếc rằng, hiện nay, chương trình giáo dục trong nhà trường vẫn đặt nặng kiến thức chuyên môn mà chưa trọng tâm đào tạo những con người có tính nhân văn, biết thương yêu, sống trách nhiệm với gia đình và những người xung quanh, có cách ứng xử với những sự đổi thay trong tâm sinh lý; Xem nhẹ giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ thế nào là giá trị chân chính; Chưa chú trọng trang bị những kỹ năng sống. Trong khi đó, gia đình thường hay phó thác trách nhiệm giáo dục con em cho nhà trường mà quên đi sự động viên, trao đổi, lắng nghe, buông lỏng cho con cái, thậm chí nhiều cha mẹ còn là tấm gương mờ để con cái học tập thói hư, tật xấu..
Bởi vậy, cái ác vẫn tồn tại như một thách thức.