Món gỏi cá nhảy tuy cách chế biến khá đơn giản nhưng lại kén người ăn nên không được phổ biến tại nhiều địa phương. Điểm khác biệt của món này chính là ở cách ăn rất lạ lùng. Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.
Món cá nhảy độc đáo của người Thái ở Sơn La. Ảnh: VietQ. |
Người dân thường dùng cá chép con để chế biến món cá nhảy. Mỗi năm, họ chỉ ăn cá này trong mùa lúa nước. Khi bắt đầu cấy là mùa cá chép đẻ trứng. Họ lấy trứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng, đến mùa lúa ra hoa là lúc hoa gạo rụng xuống nước và cá chỉ được ăn hoa gạo đó nên con cá nó rất bé. Khi lúa bắt đầu vàng thì là lúc bà con tháo nước ở ruộng đi và các con cá chép được bắt về, con cá chỉ bé bằng ngón tay hoặc lớn hơn một tý.
Bước tiếp theo là chế biến món ăn kèm. Món này khá đơn giản nhưng yêu cầu phải đầy đủ nguyên liệu. Bao gồm lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Lõi chuối thái mỏng, băm nhỏ, rau thơm, ớt tỏi băm nhỏ đem trộn đều với lõi chuối, nêm gia vị, cho nước măng chua ngập sâm sấp. Yêu cầu của hỗn hợp ăn kèm này là có độ chua vừa đủ nhưng phải cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng.
Khi ăn, người ta bắt cá trực tiếp từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Khi mổ cá phải nhanh tay để cá vẫn còn sống, thả ra còn có thể giẫy được. Cá mổ đến đâu thì ăn đến đó, như vậy thịt mới giòn ngọt, không có mùi tanh. Mỗi thực khách dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.
Thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay, món ăn kỳ lạ này có vị giòn, ngọt của thịt cá và lõi chuối, vị chua của nước măng, vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Tuy nhiên, với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó thưởng thức để cảm nhận hương vị.