Đối với Th.s. BS Nguyễn Văn Thường, trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng vậy.
Kỷ niệm rơi nước mắt
Đối với bác sĩ Thường, kỷ niệm khiến ông phải rơi nước mắt đó chính là một bệnh nhi tên Thắng, bị viêm não Nhật Bản. Khi nhập viện, bệnh nhi này xuất hiện nhiều triệu chứng rất nặng, các bác sĩ lúc đó đã cố gắng hết sức để cứu lấy mạng sống của bệnh nhi. Tuy nhiên, những di chứng của căn bệnh này gây nên là rất khó khắc phục.
“Khi tiếp nhận bệnh nhi, chúng tôi huy động mọi trang thiết bị cần thiết, đội ngũ bác sĩ cũng làm việc hết sức mình. Lúc đó, chúng tôi chỉ cố gắng giữ lại tính mạng cho bệnh nhân. Khi ca cấp cứu xong, chúng tôi gặp gia đình bệnh nhân và cũng chỉ biết động viên rằng: cháu đã qua cơn nguy kịch và những di chứng của căn bệnh sẽ theo thời gian hồi phục dần. Nhưng làm trong nghề chúng tôi biết việc hồi phục lại là rất khó”, bác sĩ Thường tâm sự.
“Tuy nhiên, 2 tháng sau khi cháu Thắng xuất viện, vào một buổi chiều, chúng tôi thấy bố cháu lên Khoa và nói đưa cháu lên chào các bác sĩ. Lúc đó, nhiều người nghĩ đến chuyện “không hay” xảy ra. Nhưng sự thật trước mặt chúng tôi, lại không như chúng tôi nghĩ, cháu Thắng đã hồi phục và chào chúng tôi rõng rạc. Lúc đó nước mắt tôi đã rơi”, bác sĩ Thường chia sẻ.
Th.s. BS Nguyễn Văn Thường, trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) |
Và trường hợp gần đây nhất cũng khiến bác sĩ Thường “vui trong nước mắt”, đó là trường hợp bệnh nhi Dương Văn Đức, 1 tuổi (ở Sóc Sơn), nhập viện ngày 27 Tết do sốt phát ban nghi sởi, trong quá trình điều trị, bệnh nhân ngày càng xuất hiện những triệu chứng bất thường.
“Đến ngày 30 Tết, bệnh nhi có triệu chứng co giật tăng, ngay lúc đó chúng tôi đã chẩn đoán sởi biến chứng lên não. Tuy nhiên, lúc này cháu Đức chưa có kết quả dương tính với sởi. Để có được kết quả ngay trong ngày chiều 30 Tết, chúng tôi đã phải rất khẩn trương lấy mẫu, cùng gia đình bắt xe ôm chuyển bệnh phẩm sang dịch tễ, xét nghiệm. Vì nếu không làm ngay, hôm sau là mùng 1 Tết, sẽ không làm được xét nghiệm. Vậy là, 3 giờ chiều chúng tôi lấy dịch, 7 giờ tối cho kết quả cháu bé dương tính với sởi. Nếu trong trường hợp này, không làm như vậy mà cứ phải đợi theo đúng quy trình thì tính mạng cháu Đức sẽ vô cùng nguy hiểm”, bác sĩ Thường kể.
Canh cánh những nỗi lo
Không chỉ đối với bác sĩ Nguyễn Văn Thường, mà nhiều cán bộ y tế, bác sĩ khác cũng đang cùng chung một nỗi lo về những áp lực từ phía người bệnh và từ áp lực xã hội khi thời gian qua đã xảy ra hàng loạt những vụ “bê bối” liên quan đến ngành y.
Đó là, nỗi lo về những rủi do nghề nghiệp, nỗi lo từ sự quá khích của người nhà bệnh nhân … Điều đó đã được minh chứng rất rõ qua những vụ hành hung bác sĩ xảy ra ở Hà Tình, Thanh Hoá …trong thời gian qua.
“Thật sự, khi xảy ra những trường hợp tử vong, người nhà bệnh nhân xông vào bệnh viện, hành hung bác sĩ tôi cảm thấy rất chán trường”, bác sĩ Thường nói.
Theo bác sĩ Thường, nghề y là một nghề đặc thù, luôn có những tỷ lệ rủi do nhất định trong quá trình cứu chữa bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh lại không bao giờ chấp nhận điều đó. Nên trong mỗi ca bệnh chúng tôi luôn phải nỗ lực hết mình để làm sao cứu chữa được cho bệnh nhân.
Cũng đã có không ít trường hợp, chúng tôi phải bó tay vì những căn bệnh quái ác, dù lúc đó, người nhà hiểu và thông cảm cho sự cố gắng của chúng tôi nhưng đối với những người làm bác sĩ thì đó chính là sự thất bại.
Nhiều lúc bác sĩ giống như người lính cứu hoả |
Không chỉ có vậy, đôi khi có những khó khăn mà không phải ai cũng có thể hiểu và thông cảm. “Ví dụ như trong những đợt dịch bùng phát, tất cả mọi người phải sơ tán ra ngoài thì bác sĩ chúng tôi phải “lao” vào dập dịch. Nhiều lúc chúng tôi vẫn thường hay đùa là: bác sĩ nhiều khi giống như lính cứu hoả vậy, những nơi người dân sơ tán thì mình phải dấn thân”, bác sĩ Thường chia sẻ.
Tuy khó khăn, vất vả là vậy, nhưng khi hỏi về chế độ, phụ cấp có đáp ứng xứng đáng với trình độ cũng như sự hy sinh của những người bác sĩ thì, bác sĩ Thường thẳn thắn: “Nói thật! Nghề y là một nghề đặc thù, so với những ngành khác thì lương cơ bản không phải là quá thấp, nếu so với giờ làm việc như hiện nay. Nhưng chính vì có cái đặc thù đó, nhiều bác sĩ chúng tôi hàng năm phải làm thừa đến 200 giờ, mà vẫn cống hiến vì tình yêu đối với bệnh nhân và nghề nghiệp”.