Ngày 25/7, Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đã công bố thông tin bất thường liên quan đến tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Coteccons và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, ở vào thời điểm ngay trước ngày công bố kết quả một gói thầu chính trong dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Nợ thì phải trả, nhưng đúng pháp luật
Trước đó, ngày 24/7, Coteccons nhận được thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án nhân dân TPHCM thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.
Ngay sau khi công bố thông tin này, website của Coteccons cũng đã đăng thông cáo báo chí chính thức liên quan đến việc này. Theo đó, Coteccons giải trình vụ việc bắt nguồn từ tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons.
Cụ thể, giữa hai công ty có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019. Khi đó, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động đó, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: Dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Cùng với đó, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: Dự án Newtaco, dự án Regina giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina giai đoạn 6, dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco...
Ricons nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Coteccons thông tin ra sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Theo Coteccons cho biết, công ty đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
Coteccons khẳng định, làm kinh doanh phải đặt tôn chỉ “tạo ra tác động tích cực cho xã hội” với yếu tố “nhân văn” lên hàng đầu, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Khi các bên liên quan đã thực hiện giao dịch phát sinh công nợ thì phải trả nhưng phải tuân thủ đúng quy định của các hợp đồng đã ký và đúng quy định của pháp luật.
Thông cáo báo chí của Coteccons cũng cho biết, tập đoàn đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà Coteccons cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.
Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons. Coteccons cũng khẳng định sự sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa công ty và phía Ricons.
Coteccons đang nợ Ricons bao nhiêu?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Coteccons, doanh nghiệp này có khoản phải trả người bán ngắn hạn đối với Ricons là gần 323 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/3/2023, trong tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 25/7, Coteccons cho biết, hiện tại tổng tài sản của doanh nghiệp là 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Tại phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu CTD của Coteccons tăng nhẹ chưa tới 1% và chốt ở mức 74.000 đồng/cổ phiếu, trong khi phiên trước đó (ngày 24/7), cổ phiếu này bất ngờ giảm sàn 7%, xuống còn 73.700 đồng/cổ phiếu.
Conteccons hiện đứng đầu liên danh Hoa Lư (cùng nhà thầu Thái Lan và Xây dựng Hòa Bình (HBC), là một trong 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8/2023. Gói thầu này có giá trị tới 35.000 tỷ đồng…
Trong khi đó, Ricons từng là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái Coteccons", thành lập năm 2004, khi ông Nguyễn Bá Dương còn là Chủ tịch Coteccons. Thời điểm thành lập, cổ đông sáng lập Coteccons nắm tỷ lệ sở hữu 20% tại Ricons và doanh nghiệp này trở thành nhà thầu phụ cho Coteccons.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Coteccons, công ty này vẫn đang sở hữu 14,3% cổ phần của Ricons (tổng giá trị hơn 301,6 tỷ đồng).
Năm 2018, Coteccons từng lên phương án sáp nhập Ricons. Phương án hoán đổi bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2019 - 2020. Sau khi hoán đổi, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons, và chuyển đổi Ricons thành công ty TNHH một thành viên.
Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông năm 2019, cổ đông nước ngoài đang sở hữu 18% vốn tại Coteccons, là Kustocem, tuyên bố không bỏ phiếu cho thương vụ sáp nhập Ricons, nên việc sáp nhập bị dừng lại. Khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm chức Chủ tịch Coteccons, Ricons cũng tuyên bố độc lập, xây dựng hệ sinh thái riêng.
Được biết, Ricons hiện là một trong những nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam. Các dự án Ricons xây dựng trải dài khắp cả nước từ các công trình cao tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến nhà xưởng công nghiệp và hạ tầng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Ricons có 945 nhân viên, tổng tài sản gần 7.177 tỷ đồng.