Rau mồng tơi có vị chua ngọt, tính hàn, không độc, vào 5 can Tâm, Can, Tỳ, Đại tràng và Tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt tràng, lương huyết.
Mồng tơi có chứa chất nhầy tốt cho hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, nhuận tràng. Do đó, nhiều người sử dụng mồng tơi để trị chứng táo bón. Ngoài ra, nó còn có tác dụng ngăn cản quá trình hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa. Chính vì thế, loại rau này còn có lợi cho những người bị rối loạn mỡ máu hoặc người muốn giảm cân.
Tuy nhiên, ăn mồng tơi sai cách có thể làm ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Rau mồng thơi chứa axit oxalic. Chất này có thể làm giảm hấp thụ canxi và sắt của cơ thể. Ăn rau mồng tơi cùng các thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp cơ thể hấp thụ canxi và sắt dễ dàng hơn.
Rau mồng tơi chứa nhiều purin. Hợp chất này có thể chuyển hóa thành axit uric khi đi vào cơ thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Ngoài ra, axit oxalic trong rau gặp canxi sẽ tạo thành canxi oxalate. Chất này nếu không được bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu sẽ tích tụ lại bên trong cơ thể và gây ra sỏi thận.
Hàm lượng chất xơ trong rau mồng tơi rất lớn. Do đó, nếu ăn quá nhiều sẽ gây ra khó chịu cho dạ dày. Người bị bệnh dạ dày không nên ăn mồng tơi.
Bên cạnh đó, mồng tơi có tình hàn nên người hay bị lạnh bụng, tiêu chảy nên tránh sử dụng.
Axit oxalic trong mồng tơi không bị nước hòa tan có thể bám lại ở răng, khiến răng bị xỉn, ố màu. Do đó, sau khi ăn loại rau này bạn cần phải đánh răng để loại bỏ mảng bám. Người mới lấy cao răng không nên ăn mồng tơi trong vòng 1-2 tuần.
Mồng tơi không phải là loại rau bạn nên ăn sống. Nó sẽ gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Do đó, mồng tơi cần được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Mồng tơi ăn cùng với thịt bò sẽ làm mất đi tính nhuận tràng. Những người bị táo bón ăn hai loại thực phẩm này cùng nhau sẽ khiến bệnh càng thêm nặng.
Mồng tơi cũng như các loại rau có màu xanh lá khác chứa hàm lượng nitrat cao. Rau để lâu sau khi nấu sẽ bị vi khuẩn phân hủy, nitrat biến thành nitrite - một chất gây ung thư, không có lợi cho sức khỏe.