Hơn 25 năm ra khơi, cái cảm giác câu được con cá khổng lồ nặng như con bò đối với ngư dân Huỳnh Phi Minh (ngụ xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đúng là... vô tiền khoáng hậu.
Vật lộn hàng giờ đồng hồ
Bắt đầu câu chuyện, ông Minh kể lại vào khoảng tháng 5-2016, tàu cá KH 90297TS của ông chỉ 410CV nhưng quyết tâm vươn khơi xa nên thẳng lái từ Khánh Hòa ra vùng biển Hoàng Sa (TP Đà Nẵng, Việt Nam) câu cá ngừ đại dương.
Vào ngày thứ 15 của chuyến đi, khoảng 2 giờ sáng, một ngư dân trên tàu thấy tay câu nặng hơn thường lệ. Khi lừa con cá lên mặt nước, dưới bóng đèn cao áp, con cá ngừ vây xanh hiện ra như quái vật, to khổng lồ vùng vẫy dữ dội. "Anh em trên tàu thấy con cá bự quá ai nấy đều mất hồn, mặt biến sắc. Biết là trúng cá lớn cả 7 người trên tàu la hét không ngừng. Những tay câu chuyên nghiệp nhất tàu xắn tay, ra sức lừa cá"- ông Minh kể.
Nói về kỹ thuật lừa cá, lão ngư nhớ lại: "Cần bằng tre, nếu không lừa khéo thì gãy cần, mất cá như chơi. Phải hai người chúng tôi cầm cần để lừa con cá. Cứ thấy nó vùng mạnh quá, căng cần thì thả dây câu. Thấy nó xuôi xuôi lại kéo dây. Không lừa cá thì không sức nào chịu nổi. Kéo kéo, thả thả phải hơn 1 tiếng đồng hồ mới thu phục được con cá khủng này".
Con cá ngừ to khổng lồ nặng hơn 300kg. |
Chưa hết khó, con cá vừa to vừa nặng dù có 6-7 người cũng không kéo được lên tàu. Khi đó những ngư dân mới nghĩ ra cách hay là dùng dù bung neo tàu để đưa cá lên. Dù bung này đường kính rộng 20m để ở phía sau tàu, khi neo giữa khơi thì bung ra để tàu được cố định 1 chỗ. "Chúng tôi dùng dây dù cột vào con cá, sau đó tăng tốc cho tàu chạy. Dây dù bung mạnh, kéo cá từ dưới mặt biển lên boong tàu với chiều cao 2m nhẹ như không"- ông Minh kể.
Phải vật lộn hàng giờ đồng hồ mới đưa cá lên boong. |
Con cá lên boong thì thấy màu cá lạ xanh trắng. Đầu cũng khác với cá ngư vây vàng, to hơn, dẹp không tròn, đôi mắt nhỏ. Khi đó ngư dân gọi điện về chủ vựa thì mới biết là cá ngừ vây xanh.
Cũng do con cá với kích thước khổng lồ nên phải rất vất vả để bỏ vào khoang muối đá. Mặc dù đã phủ đá kín nhưng hơi lạnh không đủ thấm vào tận phía trong. Cả tàu phải mất gần 5 giờ đồng hồ mới "an bài" cho con cá khổng lồ này trên tàu.
Kỷ lục Việt Nam
Sau khi về Cảng cá Hòn Rớ ở TP Nha Trang, thông tin ông Minh bắt được cá ngừ vây xanh lan đi chóng mặt. Ngay khi cập cảng, 2 người Nhật Bản đến trực tiếp xem cá. Tuy nhiên, do cá to nên chỉ khúc đuôi nhỏ lại là đủ độ muối đá, còn phần thân thì độ lạnh không đủ nên thương lái ra giá là 180.000 đồng/kg. Ông Minh sau đó đã bán con cá này với giá 55 triệu đồng. "Hồi giờ, đây là lần đầu tiên bắt được cá ngừ vây xanh nên chúng tôi - những người kinh nghiệm hàng chục năm trên biển - cũng không ngờ tới. Cũng không biết cá ngừ này giá trị đến đâu"- ông Minh tiếc rẻ.
Theo ông Minh, con cá này đã được ông sơ chế bỏ mang, ruột, vây đuôi. Khi về tới đất liền, con cá đã được cân bằng 4 chiếc cân loại 100kg cùng lúc, ghi nhận trọng lượng lên tới 307kg. Nếu còn nguyên thì cá phải nặng gần 350kg.
Gần 1 năm sau đến tháng 5-2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sau khi kiểm tra hồ sơ do Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đề cử đã chính thức trao bằng kỷ lục Việt Nam cho ngư dân Huỳnh Phi Minh với thành tích "Câu được con cá ngừ vây xanh nặng nhất Việt Nam (307kg) trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam".
Kỷ lục Việt Nam về con cá ngừ vây xanh lớn nhất được đánh ở biển Việt Nam. |
Nghiên cứu khoa học cho thấy, cá ngừ vây xanh được tìm thấy chủ yếu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ngoài ra chúng còn có thể sống ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Chúng có thể sống đến 40 năm và lặn ở độ sâu hơn 1.200m. Cân nặng trung bình của cá ngừ vây xanh vào khoảng 150kg. Trên thế giới đã từng ghi nhận con cá ngừ vây xanh ở Thái Bình Dương nặng tới 450 kg.
Theo các chuyên gia người Nhật Bản nếu chất lượng cá tốt, giá mua tại cảng có thể tới 30 USD/kg (tức khoảng 765.000 đồng/kg). Ở nước ngoài, cá nay cũng rất hiếm, các ngư dân khi câu được thường bỏ chuyến biển, chạy thẳng về bờ để giữ cá có chất lượng tốt nhất. Tại Nhật Bản, cá ngừ vây xanh rất được ưa chuộng để chế biến món sushi và sashimi. Khoảng 80% lượng cá ngư vây xanh trên thế giới được người Nhật tiêu thụ.