Hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé ngồi trước hàng thịt lợn bị tạt đầy dầu luyn lẫn nước thải khiến dư luận phẫn nộ. Đó có thể coi như một cách "xử" theo "luật chơi" mà chúng ta từng gặp không ít lần. Và lần này gây chú ý bởi nó xảy ra giữa phong trào "giải cứu lợn" đang lên cao.
Nhưng cũng lại có người trách sao cùng là dân buôn bán, người phụ nữ kia lại làm ngơ trước cái gọi là "quy luật" chợ búa. Rằng ai trước đây bán hàng gì, giờ cứ bán hàng ấy, mỗi loại hàng có thuế má, chỗ ngồi khác nhau. Rằng, nếu muốn tiêu thụ số lượng thịt lợn ế ẩm, thay vì tự mang bán "phá giá" thì hãy biết "xuống nước" thỏa thuận giá cả với tiểu thương, dù biết cách ấy sẽ thiệt thòi hơn hẳn chuyện tự mang của nhà đi bán...
Tuy nhiên, những lý lẽ tưởng chừng khách quan, khôn khéo ấy lại đang gián tiếp biện minh cho lối ứng xử dã man của con người. Dù là giữa chợ, dù biết "buôn có bạn, bán có phường" cũng không thể ủng hộ hành vi côn đồ, chợ búa ấy được.
Người phụ nữ bị tiểu thương đổ dầu luyn, chất thải. |
Hình ảnh người phụ nữ ê chề giữa chợ chịu đựng cả thân thể, đầu tóc mình và những phần thịt lợn đang bốc mùi hôi thối khiến chúng tôi nhớ tới sự việc cách đây chưa lâu. Vào buổi sáng tinh mơ giữa Hà Nội phố, người dân trong phố cổ đi bách bộ tập thể dục bỗng bàng hoàng khi toàn bộ vỉa hè trước một thẩm mỹ viện có tiếng bị đổ đầy... mắm tôm lẫn chất thải. Lượng nước thải ước tính đến cả chục can.
Nhiều ánh mắt tò mò đổ đồn, những chiếc điện thoại được rút từ trong túi ra ghi lại hình ảnh để cập nhật ngay trên mạng xã hội. Và cũng rất nhanh sau đó, người của thẩm mỹ viện đã dọn sạch tinh tươm vỉa hè, dùng cả thiết bị hút mùi hiện đại. Tóm lại, chưa đầy nửa buổi sáng, mọi dấu vết được nghi là trò "cạnh tranh bẩn" được xóa sạch.
Đáng tiếc thay, những ngày sau đó, chính trên fanpage của thẩm mỹ viện này, nhiều khách hàng thành thật bày tỏ tâm tư, rằng họ bị ám ảnh bởi vỉa hè đầy mắm tôm lẫn chất thải, cảm giác khó có thể bước qua nơi chốn ấy (dù giờ đây đã sạch!) để vào trang điểm, chăm sóc sắc đẹp.
Thậm chí, có người còn âu lo tưởng tượng, biết đâu một ngày nào đó, khi mình đang tận hưởng giây phút thư giãn với cái giá không hề rẻ ở đây thì đối thủ cạnh tranh còn tung ra những "mưu hèn, kế bẩn" đáng sợ khác, mà người chịu hậu quả biết đâu lại là khách hàng chứ chẳng phải vỉa hè vô tri!
Chẳng biết phải mất bao lâu để người phụ nữ kia thôi ám ảnh về sự việc. Chẳng biết trong những người xếp hàng mua thịt ủng hộ chị có ai mảy may âu lo, tưởng tượng về trăm vạn điều "chẳng may", "có nhẽ" khác hay không... chỉ biết, sự ê chề, tủi cực vẫn còn đó, hiện diện ở nhiều số phận và bi kịch khác, vì dầu nhớt thì lạ mà hèn hạ thì quen.
Trong khó khăn hoạn nạn, những tưởng con người sẽ thương yêu, gánh vác cho nhau thì đôi khi lại là lúc họ quay sang "cắn xé" đồng loại, giành giật lợi ích cho mình.
Đừng ngụy biện cho tội ác bằng luật cạnh tranh thị trường bởi điều cốt lõi của cạnh tranh chính là giá cả, lương tâm thái độ, hình ảnh của người bán hàng. Những người tiểu thương hất dầu luyn vừa rồi cùng lúc đã đánh mất quá nhiều giá trị nền tảng trong kinh doanh từ giá cả đến lương tâm, hình ảnh...
Ngay cả nơi bị coi là bát nháo, trăm người bán vạn người mua như chốn chợ búa vẫn tuân theo các giá trị nền tảng ấy. Chẳng ai muốn mua hàng của người chanh chua, bán giá "cắt cổ" lại từng hành hung người khác!
Cũng đừng tốn công giãi bày rằng trong khó khăn, con người phải nghĩ đến bản thân đầu tiên bởi đó là quy luật sinh tồn. Vì sao ư? Vì giữa thời điểm ngành chăn nuôi thất bát, giá thịt lợn "rẻ như bèo", ở những vùng quê nghèo khó đã có những tiểu thương tự nguyện đóng sạp hàng ở nhà "ngồi chơi xơi nước" để bà con chăn nuôi mang thịt nhà mình ra ngồi bán.
Và càng vô lý hơn khi có người đem cả yếu tố "vùng miền" ra mà bao biện, quy chụp. Rằng "người đất Cảng" thế này, thế kia. Mới đây thôi, cộng đồng còn "dậy sóng" về câu chuyện về cậu học trò Hải Phòng sau khi làm vỡ gương chiếu hậu của ô tô để lại lời nhắn xin lỗi hay cháu bé học lớp hai sau khi đi xe đạp tông trúng taxi đã khoanh tay xin lỗi lái xe đang ngồi bên trong và không hề biết có sự cố va chạm. Có biết bao người vừa khen "người đất Cảng" cơ mà?
Xót xa hơn, thói xấu dã man như chuyện "dầu nhớt" vừa rồi rõ ràng không hệ lạ, cũng chẳng khu biệt chỉ diễn ra ở cạnh tranh thị trường. Ngay chính lời nói cửa miệng của không ít người Việt khi bị đụng đến quyền lợi cá nhân, thậm chí bị "nhìn đểu" vu vơ ngoài đường cũng sẵn sàng hăm dọa đổ thứ nọ, thứ kia hay "xử" ai đó bằng "luật rừng, luật chợ" - thứ "luật" của sự dã man chưa bao giờ bị triệt tiêu ngay cả trong thế giới văn minh.