Từ hai vụ bệnh nhân N.T.N.N. (32 tuổi, quê ở Đồng Tháp) tử vong khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A (phường 7, quận Tân Bình) và cô gái 22 tuổi quê Long An tử vong khi nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp không được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội do H.M.P. làm chủ cho thấy, dù làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, nhất là ở những cơ sở không phép.
Làm sao ngăn chặn những rủi ro là câu hỏi được dư luận đặt ra?
Cô gái 22 tuổi quê Long An tử vong khi nâng mũi ở Hà Nội. |
Chính sách pháp luật trong lĩnh vực làm đẹp dần hoàn thiện nhưng vẫn còn… nhiều lỗ “hổng”
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện chính sách pháp luật nước ta về quản lý trong lĩnh vực làm đẹp đang dần hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn "thiếu", còn "hở", còn "hổng" và cơ chế quản lý vẫn còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui, không có giấy phép, hoạt động sai giấy phép và trong những năm qua.
Trong khi đó, nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng sự hiểu biết về lĩnh vực này của nhiều người còn hạn chế, nên đã không phân biệt được đâu là cơ sở có chức năng thực hiện các hoạt động thẩm mỹ. Cùng với kinh phí hạn chế nên nhiều cô gái trẻ chấp nhận rủi ro để đến với các hoạt động thẩm mỹ chui, trá hình.
Dẫn ví dụ nhiều sự cố nghiêm trọng xảy ra trong hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng, không đủ điều kiện tiêu chuẩn để thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, luật sư Cường cho rằng, cần có quy định cụ thể về điều kiện đào tạo, giảng dạy, quy mô, mô hình đào tạo trong hoạt động thẩm mỹ.
Đồng thời, cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm nếu có.
“Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở phẫu thuật chui, không có đăng ký hoặc bác sĩ không đúng chuyên môn rất dễ phát sinh những tai biến nguy hiểm. Đẹp chưa thấy đâu, nhưng có thể phải trả giá đắt bởi những tổn thương, thậm chí có thể thiệt mạng”, luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Cần giám sát chặt chẽ các cơ sở thẩm mỹ
Nhấn mạnh phụ nữ có quyền làm đẹp, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng (ĐBQH khóa XIII) cho rằng: "Đừng để chưa đẹp... đã chết vì thực tế ở nước ta tồn tại thực trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động không đảm bảo các điều kiện y tế trong quá trình phẫu thuật, gây nên các vụ tai biến, chết người".
PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, cơ quan cấp phép cần quản lý, giám sát, kiểm tra thường xuyên các cơ sở thẩm mỹ; nếu không đủ điều kiện, cần có biện pháp xử lý vì liên quan đến mạng người.
PGS TS Bùi Thị An. |
Người dân có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ được cấp phép
Luật sư Lưu Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự cho rằng, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (giải phẫu làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng của con người) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP và chỉ được thực hiện tại cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở cấp Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, thiết bị y tế và nhân sự theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Ngoài các điều kiện trên, Thẩm mỹ viện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự và Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy (nếu có). Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.” (Theo quy định tại khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP).
Do đó, người dân có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hoạt động như bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Luật sư Lưu Kiều Trang |
Đáng lo ngại tình trạng học vài tháng đã phun xăm thẩm mỹ…
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm khoa tạo hình - thẩm mỹ, Học viện Quân y - cho biết, trong phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, chỉ cần lơ là, tai biến luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, công tác quản lý sức khỏe của bệnh nhân trước trong và sau quá trình phẫu thuật là điều cực kỳ quan trọng. Đây cũng là lý do vì sao mà các bác sĩ phải được đào tạo rất là bài bản mới có thể tiến hành phẫu thuật trên bệnh nhân. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, phòng phẫu thuật, trang thiết bị vật tư trong quá trình phẫu thuật cũng cực kỳ quan trọng.
Bộ Y tế đã có quy định, chỉ cần là can thiệp có chảy máu phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Trong đó, ngay cả phun xăm thẩm mỹ cũng là can thiệp có chảy máu, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều cơ sở phun xăm thẩm mỹ do các "kỹ thuật viên" thực hiện. “Nhiều người chỉ học trong vài tháng đã có thể phun xăm thẩm mỹ, lăn kim, cắt môi…, thực trạng này rất đáng lo ngại", ông Tuấn nói.
Từ đó, bác sĩ Tuấn cho rằng, người dân không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu mà hãy tìm hiểu kỹ về cơ sở mình sẽ đến làm đẹp xem cơ sở đó có được cấp phép hay không, bác sĩ phẫu thuật cho mình là ai có đúng là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hay không rồi hãy quyết định “chọn mặt gửi vàng”.
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn. |
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, nhiều cơ sở thẩm mỹ ra đời nhưng lại thuê bằng bác sĩ, kỹ thuật viên chưa được đào tạo bài bản, chưa có chứng chỉ hành nghề… nhưng lại thực hiện rất nhiều kỹ thuật đòi hỏi phải tay nghề cao dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng.
“Khi đã thực hiện phẫu thuật, ở đâu cũng có nguy cơ biến chứng, nhưng nếu bác sĩ có tay nghề cao, thực hiện đúng quy trình thì biến chứng giảm xuống thấp nhất. Do đó, từ phẫu thuật nhỏ nhất đến lớn nhất nếu không được thực hiện ở trung tâm y tế được chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và các bác sĩ được đào tạo bài bản, được cấp phép hành nghề thì nguy cơ biến chứng tiềm ẩn cao”, bác sĩ Hà nói.
Trước thực trạng, nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh nhu cầu làm đẹp bắt đầu tăng lên, bác sĩ Tuấn dẫn thông tin theo ASA (Hội gây mê Hoa Kỳ) với những cựu F0 chỉ đi làm phẫu thuật thẩm mỹ (đại phẫu thuật) sau khi khỏi bệnh 4 tuần với những F0 không triệu chứng, ngoài 6 tuần với F0 có triệu chứng và ngoài 8 tuần với F0 phải nằm viện và ngoài 12 tuần với F0 phải chăm sóc tích cực.
“Sau khi nhiễm COVID-19, cơ thể cần phục hồi khác nhau. Mức độ tổn thương các cơ quan khác nhau sau khi điều trị. Với các bệnh nhân nhẹ tổn thương cơ quan ít có thể phục hồi sớm hơn và ngược lại”, bác sĩ Tuấn nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người đàn ông tử vong khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện:
Nguồn: THĐT