Hoạt động xây dựng này đã đóng góp vào quá trình giao lưu giữa vùng đất mới phía Nam với miền Trung, cho phép những chuyến di chuyển mang theo ảnh hưởng qua lại liên tục về văn hóa, kinh tế và kỹ thuật giữa các vùng đất mà những đoàn thợ đi qua.
Tại những nơi mà các đoàn thợ trú ngụ và hành nghề, họ đã truyền dạy kỹ thuật cho những thế hệ thợ mới, góp phần hình thành nên các làng nghề gỗ tại các địa phương miền Nam về sau.
Nhà rường gỗ có thể xuất hiện khá sớm. Tuy nhiên, bởi tính chất dễ hư hoại của vật liệu gỗ và những biến động lịch sử liên tục tại vùng đất, không còn nhiều công trình cổ xưa còn tồn tại cho đến ngày nay.
Một trong những ngôi nhà gỗ được xem là cổ nhất và còn lưu lại là dinh thự được Nguyễn Ánh (sau này là hoàng đế Gia Long) cho xây dựng dành cho giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh trong thời gian hai người này lưu trú tại Gia Định, vào cuối thế kỷ 18.
Ngày nay, ngôi nhà này được lưu giữ tại khuôn viên Tòa giám mục Sài Gòn (quận 3, TP.HCM). Hầu hết ngôi nhà còn tồn tại đến nay chủ yếu được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Chỉ những chủ đất giàu có hoặc những trí thức đỗ đạt mới có đủ khả năng tài chính để xây dựng dinh thự khang trang. Vì thế, kiến trúc được khảo tả trong chương này gắn liền với tầng lớp trung lưu thế kỷ 18 và 19. Tuy nhiên phía triều đình thường đưa ra các định chế quyền lực để giới hạn lựa chọn xây dựng tùy ý của các cộng đồng dân cư.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, năm Gia Long thứ 15 chuẩn định: "Phàm dựng nhà làm phủ hoàng tử, công chúa thì chính đường năm gian hai chái, tiền đường bảy gian, chung quanh mái chồng, hợp làm một tòa, lợp ngói âm dương, bốn chung quanh xây bao tường gạch, mặt trước mặt sau đều mở một cửa vòm, trong cửa xây bình phong" (các mô tả về cấu trúc gian, chái được đề cập ở phần sau).
Vào năm Minh Mạng thứ 19, ban hành lệnh cấm hoàng tử ở riêng làm nhà ba nóc và lâu đài, cùng hạn chế về các thể thức trang trí, thu hẹp kích thước ngôi nhà xuống còn ba gian hai chái. Năm Thiệu Trị thứ 3, lại cắt giảm thêm tòa tiền đường, chỉ còn ba gian hai chái, rộng 64 trượng, tường cao 5 thước 5 tấc.
Như vậy, giới hạn ba gian hai chái dành cho nhà hoàng tộc cũng đặt ra giới hạn kết cấu cho nhà ở của thứ dân. Lại thêm nữa, từ năm Gia Long thứ 4, các công đường xây dựng mới tại các dinh, trấn cũng bị khống chế theo quy ước thống nhất ba gian hai chái.
Năm Minh Mạng thứ 13 lại có chỉ dẫn bổ sung, nhưng vẫn giữ nguyên giới hạn ba gian hai chái như cũ. Như vậy giới hạn gian-chái này được đặt ra xuyên suốt trong các quy chế đầu triều Nguyễn.
Không chỉ giới hạn về cấu trúc và kích thước mà định chế cũng ngăn cấm một số bố cục mặt bằng nhất định. Như theo Trần Trọng Kim mô tả cuộc sống thời Tự Đức thì: "Kiểu nhà làm cũng phải theo kiểu thường mà làm, chứ không được làm nhà lầu và nhà kiểu chữ công hay kiểu chữ môn. Ai làm nhà cửa mà không đúng phép, thì cho là lộng hành, phải tội".
Theo đó, người dân không được phép vượt qua các định chế quyền lực kể cả khi họ có đủ khả năng tài chính để xây dựng những công trình có quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, về mặt vật liệu, Trịnh Hoài Đức cũng đã kể tên một số loại gỗ có chất lượng cao chỉ dành riêng cho hoàng tộc mà người dân không được sử dụng cho nhà ở của mình.
Song thực sự về sau, các công trình vượt quá giới hạn đã được quy điển hóa càng ngày xuất hiện càng nhiều. Đó là giai đoạn cộng đồng dân cư miền Nam vượt thoát khỏi các định chế quyền lực từ triều đình nhà Nguyễn liên quan đến việc xây dựng trước đó.
Chính trong giai đoạn lịch sử này cộng đồng dân cư thậm chí còn tự mở rộng các đề tài trang trí và hướng đến việc sử dụng các biểu tượng như linh thú vốn từng là hiện thân riêng cho quyền lực đặc biệt của hoàng gia.
Tình trạng cộng đồng dân cư đưa ra các quyết định này biểu hiện một thực tế rằng dường như họ tự tách biệt khỏi nỗi sợ hãi các định chế quyền lực. Đây là những quyết định mang tính chất tương phản mạnh mẽ với việc tuân thủ truyền thống của cộng đồng trong quá khứ, như là sự tự kiềm hãm và tiết chế đặt ra ở đầu thời Nguyễn.
Không chỉ xảy ra với trường hợp nhà ở, sự vượt rào còn thấy ở cả các công trình mộ táng của quan lại và phú hộ. Một số công trình thậm chí chạm đến hoặc vượt qua những quy định vốn chỉ dành cho các thành viên cấp cao trong hoàng tộc.
Điều này cho thấy rằng, sự cách trở địa lý, cùng với sự suy yếu quyền lực trung ương tại Huế, việc đảm bảo quy chế tại các địa phương gặp phải sự gián đoạn, dẫn đến việc những giới hạn mà triều đình ban ra thường xuyên bị phớt lờ.
Những người chủ có gia sản đã cho xây dựng những dinh thự to lớn hơn về quy mô và cầu kỳ hơn về tính trang trí. Một số nhà nghiên cứu trong quá trình đối chiếu các dinh thự giữa ba miền đã đi đến kết luận rằng các dinh thự tại miền Nam thuộc loại lớn và đặc sắc nhất trên bình diện cả nước.