Ngày 19/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Hai (ngày 23/5), bế mạc vào thứ Sáu (ngày 17/6), tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày.
“Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước nên đề nghị Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết”, ông Bùi Văn Cường nói.
Quốc hội chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. |
Về dự kiến chương trình kỳ họp, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), do trong quá trình xây dựng dự án Luật này đã phát sinh một số vấn đề mới cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng xin tiếp thu đề nghị của Chính phủ, rút dự án Luật này ra khỏi dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 3.
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 3 một số nội dung. Cụ thể, trình Quốc hội xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án: Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đối với 3 dự án Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, ông Bùi Văn Cường cho biết tại văn bản số 4181/TTKQH-PL ngày 8-4-2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về 3 dự án luật này; khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung các dự án luật vào Chương trình.
Đối với Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tại phiên họp sáng ngày 14-4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không ban hành Nghị quyết riêng về nội dung này mà đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3.
Đối với Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa, nội dung này đã được bố trí trong dự kiến Chương trình kỳ họp. Tuy nhiên, chiều ngày 21/4 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét nội dung này. “Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3”, ông Cường cho biết.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quyết định chưa xem xét việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2022 để Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Đối với 5 dự án công trình quan trọng quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết 2 dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, hiện dự kiến chương trình đã bố trí 2 nội dung này.
Hồ sơ tài liệu của 5 dự án đã được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Đối với việc xem xét Báo cáo về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo này. Trong đó, một số đoạn tuyến của Dự án chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến do trong quá trình triển khai thực hiện Dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trong đó cần báo cáo rõ phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định để hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh.