Italy từng là "tâm dịch" COVID-19 của thế giới
Vào tháng 2/2020, thế giới đổ dồn sự quan tâm vào thị trấn Codogno thuộc tỉnh Lombardy (Italy) khi tại đây xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên là một người dân địa phương 38 tuổi. Chỉ một thời gian ngắn, dịch bệnh COVID-19 lan nhanh chóng mặt, biến Italy trở thành tâm dịch của thế giới.
Giới chức Italy sau đó phải áp đặt lệnh phong tỏa tại Codogno và 10 thị trấn lân cận, cách ly hàng chục nghìn người khỏi thế giới bên ngoài.
Italy từng là "tâm dịch" COVID-19 của thế giới. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp ngăn chặn người ngoài đi vào khu vực này cũng như không cho phép người dân trong khu vực ra ngoài được thực hiện. Hàng loạt điểm kiểm tra được thiết lập tại cửa ngõ các thị trấn với cảnh sát đeo khẩu trang, yêu cầu người dân trình bày lịch trình đi lại và dừng di chuyển không cần thiết.
Nhiều trường học phải đóng cửa, các sự kiện cộng đồng, trong đó có nhiều chương trình thời trang và trận bóng đẳng cấp, đều bị hủy.
Đông đảo người dân xếp hàng dài trước siêu thị chờ mua hàng hóa tích trữ; ga tàu địa phương trở nên vắng lặng khi hoạt động ra ngoài khu vực bị dừng lại.
Khi dịch bùng phát hơn một năm trước, có những lúc Italy đứng thứ hai thế giới về số ca mắc, thậm chí có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, chiếm gần 40% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới hồi cuối tháng 3/2020. Các bệnh viện và nhà tang lễ của Italy, đặc biệt tại vùng Lombardy, rơi vào tình trạng quá tải.
Một con phố ở Codogno trong thời gian dịch bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Italy đã rút ra một số bài học kể từ lần đóng cửa đất nước đầu tiên vào năm ngoái. Giờ đây, một năm rưỡi sau khi dập tắt làn sóng COVID-19 đầu tiên, nước này áp dụng các biện pháp chống dịch thậm chí nghiêm ngặt hơn các quốc gia khác nhằm tiến tới cái mà nhiều người gọi là trạng thái bình thường mới. Một trong những biện pháp đó là áp dụng hộ chiếu vaccine.
Italy áp dụng hộ chiếu vaccine thế nào?
Chính phủ Italy thông qua sắc lệnh áp dụng chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 vào ngày 17/6/2021. Theo sắc lệnh này, kể từ ngày 6/8, người dân bắt buộc phải xuất trình "thẻ xanh" (Green Pass) tại các quán bar, nhà hàng, các phòng tập thể thao, bể bơi, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, các cơ sở lưu trú…
Sắc lệnh cũng quy định mức phạt lên tới 400 Euro (khoảng 470 USD) đối với các trường hợp không có chứng nhận kỹ thuật số này và xử phạt hành chính, đóng cửa các cơ sở không chấp hành quy định kiểm tra "thẻ xanh" .
Về cơ bản, thẻ xanh là một dạng hộ chiếu vaccine. Tại Italy, "thẻ xanh" được cấp cho những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã xét nghiệm nhanh âm tính với virus trong 48 giờ, và có hiệu lực 6 tháng với các trường hợp phục hồi sau điều trị COVID-19.
Theo một cuộc khảo sát do SWG Research thực hiện, hơn 50% người Italy ủng hộ việc áp dụng hệ thống thẻ xanh để điều chỉnh các hoạt động khác ngoài việc đi lại.
Các chủ doanh nghiệp hoan nghênh thẻ xanh như một công cụ để tránh thắt chặt các biện pháp hạn chế cũng như phong tỏa.
Italy đang hướng tới cuộc sống ở "trạng thái bình thường mới". Ảnh: Reuters. |
Tối 5/8, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông Italy Enrico Giovannini nêu rõ kể từ ngày 1/9, chỉ những người có "thẻ xanh" mới được sử dụng các phương tiện giao thông đường dài như hàng không, đường sắt, xe buýt, tàu thủy và phà trên các tuyến liên vùng, trừ Eo biển Messina.
Ngoài ra, chính phủ Italy cũng mở rộng yêu cầu "thẻ xanh" cho tất cả giáo viên, sinh viên đại học. Theo đó, từ 1/9, bắt buộc tất cả các giáo viên, sinh viên, và mọi công dân đều phải xuất trình "thẻ xanh" khi sử dụng phương tiện công cộng.
“Thẻ xanh' nên là yêu cầu bắt buộc đối với những người làm việc trong các ngành dịch vụ phải đảm bảo hoạt động liên tục như giao thông công cộng, siêu thị. Nhân viên của các văn phòng thành phố và công quyền cũng sẽ phải trở lại làm việc bình thường tại cơ quan. Họ có trách nhiệm đảm bảo cung cấp dịch vụ khi tiếp xúc với người dân”, Thứ trưởng Y tế Italy Andrea Costa ngày 24/8 nhấn mạnh.
Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định việc sử dụng "thẻ xanh" là giải pháp thay thế duy nhất cho một đợt giãn cách xã hội mới. Một số nhà chức trách cho rằng, yêu cầu về thẻ xanh còn giúp đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng ở nước này.
Dù chính phủ Italy đã xem xét việc đưa ra yêu cầu nhiều nhân viên phải có "thẻ xanh" ở nơi làm việc hơn từ ngày 1/9, quyết định này bị trì hoãn do vấp phải sự chỉ trích của một số chuyên gia y tế. Họ cho rằng nhiều người phải chờ lâu mới đặt được lịch hẹn tiêm chủng trong khi xét nghiệm thường không miễn phí.
Được biết, các cuộc thảo luận về việc mở rộng chương trình "thẻ xanh" tại Italy vẫn trong giai đoạn đầu và chưa có ngày đề xuất có hiệu lực cho bất kỳ thay đổi nào.
Mời độc giả xem thêm video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới (Nguồn video: THĐT)