Quốc hội Hàn Quốc ngày 28/2 đã thông qua một đạo luật giảm số giờ làm việc tối đa mỗi tuần của người lao động nước này xuống còn 52 giờ từ 68 giờ trước đó.
Đạo luật này được đưa ra sau nhiều năm tranh cãi giữa các nghị sỹ, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp Hàn Quốc. |
Hãng tin Bloomberg cho biết, đạo luật giảm giờ làm là một thắng lợi đối với Tổng thống Moon Jae-in, người đắc cử hồi năm ngoái với lời hứa mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, bao gồm thời gian làm việc ngắn hơn và thu nhập cao hơn. Ông Moon cũng đã hứa tăng lương tối thiểu cho người lao động 16% trong năm nay.
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mỗi người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.069 giờ mỗi năm. Trong số các quốc gia OECD, Hàn Quốc chỉ đứng sau Mexico về số giờ làm việc. Đây được xem là một yếu tố quan trọng giúp mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề nan giải ở Hàn Quốc như năng suất lao động đi xuống và tỷ lệ sinh ở mức thấp.
Số giờ làm việc trung bình hàng năm của người lao động tại một số quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - Nguồn: OECD/Bloomberg. |
Đạo luật mới cho phép người lao động ở Hàn Quốc có số giờ làm việc thường xuyên là 40 giờ mỗi tuần, cộng với 12 giờ làm thêm, bao gồm làm thêm vào cuối tuần. Đối với những lao động làm thêm vào cuối tuần, chủ sử dụng lao động phải trả mức lương cao hơn 50-100% so với bình thường, tùy thuộc vào số giờ làm thêm.
Cùng với tiền lương tối thiểu tăng, hạn chế số giờ làm giảm xuống được dự báo sẽ dẫn tới nhiều sự phản đối.
Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc nói rằng chủ các doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng thuê thêm nhân công rốt cục sẽ phải tự mình làm thêm giờ. Ngoài ra, tổ chức này cũng nói hạn chế mới sẽ buộc phải người lao động phải kiếm việc làm thêm để bù đắp cho khoản thu nhập giảm.
Đạo luật mới sẽ có hiệu lực theo từng giai đoạn tùy quy mô doanh nghiệp. Những công ty có từ 300 nhân viên trở lên sẽ phải áp dụng từ tháng 7 năm nay, trong khi các công ty có từ 50-299 nhân viên sẽ triển khai luật mới từ năm 2020.