>>> Mời quý độc giả xem trailer phim "Lật mặt 3: Ba chàng khuyết". Nguồn Youtube: |
Đau đầu với tình trạng quay lén phim chiếu rạp
Tình trạng quay lén phim chiếu rạp từ lâu vốn đã làm đau đầu các nhà sản xuất, phát hành phim. Phim càng nổi tiếng thì nguy cơ bị quay lén, livestream ngày càng nhiều.
Mới nhất, bộ phim “Lật mặt 3: Ba chàng khuyết” của đạo diễn Lý Hải vừa ra rạp cũng bị quay lén khiến ê-kíp bức xúc lên tiếng.
Theo đó, ngày 26/4, một trang mạng xã hội đã đăng tải đoạn quay lén từ livestream của bộ phim "Lật mặt 3" với hàng trăm lượt người xem. Khi phát hiện, nhà sản xuất phim đã lập tức đề nghị trang mạng, người livestream gỡ bỏ đoạn clip.
Bộ phim "Lật mặt 3: Ba chàng khuyết" của Lý Hải gây sốt phòng vé. Ảnh: Đoàn phim |
Tuy nhiên khi ra rạp phim đã bị quay lén. Ảnh: Đoàn phim |
Biên bản xử lý người quay lén phim của Lý Hải ngay tại rạp. Ảnh: Một Thế Giới |
Chia sẻ việc “đứa con tinh thần” bị quay lén phát tán trên mạng, đạo diễn – nhà sản xuất Lý Hải cho biết: “Tôi thật sự cảm thấy buồn vì ý thức của những bạn trẻ này. Không chỉ nói riêng cho bộ phim và việc phạm luật, những gì họ đang làm sẽ gây ra một hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh”.
Trước "Lật mặt 3", hàng loạt phim điện ảnh khi ra rạp cũng gặp phải tình trạng tương tự. Đáng kể nhất là trường hợp “Cô Ba Sài Gòn” của Ngô Thanh Vân. Ngày 13/11/2017, một nam thanh niên sinh năm 1998 đã livestream bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" ngay trong rạp chiếu ở Vũng Tàu. Đoạn livestream này thu hút hơn 5.000 lượt xem trong chưa đầy 30 phút. Hành động vô ý thức này chỉ dừng lại khi bị ê-kíp phát hiện và yêu cầu gỡ bỏ.
Chỉ một hành động câu like của khán giả này, nhà sản xuất "Cô Ba Sài Gòn" ước chừng thiệt hại hơn 250 triệu đồng, chưa kể những lượt chia sẻ và lưu trữ trong thời gian 30 phút phim bị quay lén.
"Tháng năm rực rỡ" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bị quay lén phát tán trên mạng trước một ngày phim công chiếu chính thức. Dù các video ngắn, lượng tương tác không cao nhưng nhà sản xuất không tránh khỏi bị thiệt hại vì hành vi xâm phạm bản quyền này.
Các bộ phim như: "Em chưa 18", "Xóm trọ 3D"… cũng đau đầu khi phải đối mặt với tình trạng quay lén phim ở rạp.
Cần xử lý mạnh tay để làm gương
Việc xâm hại bản quyền điện ảnh ngày càng tiếp diễn gây tổn hại không nhỏ để doanh thu của nhà xản xuất phim. Tuy nhiên việc xử lý các hành vi vi phạm này còn khá nhẹ. Hầu hết các trường hợp bị phát hiện quay lén phim phát tán trên Facebook mới dừng lại ở việc yêu cầu xoá bỏ video mà không áp dụng hình phạt nào khác. Chính sự nhẹ tay trong xử lý vi phạm khiến nhiều bạn trẻ thiếu ý thức càng vô tư thực hiện các hành vi câu view, câu like phản cảm này.
Không phải ngẫu nhiên đoàn phim "Cô Ba Sài Gòn" quyết làm mạnh tay với hành vi xâm phạm bản quyền. Nam thanh niên quay lén phim ở rạp Vũng Tàu đã phải làm việc với công an và bồi thường thiệt hại.
"Thay vì ý định ban đầu là bỏ qua sự việc khi đối tượng có nhận thức về hành vi của mình, chúng tôi sẽ nghiêm khắc với tất cả hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra. Chúng tôi không nhân nhượng", phía đoàn phim nhấn mạnh.
Ngô Thanh Vân nhờ cơ quan chức năng vào cuộc vụ "Cô Ba Sài Gòn" bị quay lén. Ảnh: Dân Việt |
Biên bản giải trình sự việc quay lén phim của nam thanh niên tại cụm rạp Vũng Tàu. Ảnh: Dân Việt |
Nhiều khán giả đồng tình với việc xử lý mạnh tay hành vi quay lén phim để tăng tính răn đe, nhằm ngăn chặn tình trạng này. Danh hài Trấn Thành từng chia sẻ, anh ủng hộ việc xử phạt thật nặng.
“Hành động đó là bất hợp pháp, ở nước ngoài sẽ bị phạt tiền nặng, thậm chí ở tù. Chỉ vì hành động thiếu nhận thức, các bạn có thể giết chết nhiều người. Có người bán nhà để làm phim, doanh thu họ mang về phải chia cho rất nhiều người, chúng ta nên tôn trọng sức lao động của người khác”, Trấn Thành bày tỏ.
Thực tế, việc xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền sao chép tác phẩm được quy định khá rõ theo luật định. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt đến 35 triệu đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm vì mục đích thương mại với mức phạt tù đến 2 năm.
Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
- Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170a (tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 như sau:
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình...