Trước tình trạng bị cắt điện luân phiên 2 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 3-5 tiếng vắt từ sáng đến chiều, anh Tùng Anh - 43 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội - đành phải tìm đến các sản phẩm quạt tích điện như một giải pháp tức thời nhằm chống chịu cái nóng. Sau khi tham khảo dãy cửa hàng thiết bị điện nằm trên phố Nguyễn Công Trứ, anh quyết định bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua chiếc quạt tích điện mang thương hiệu Sunca (Trung Quốc).
“Mặc cả mãi họ không đồng ý, nhất quyết phải là 1,5 triệu đồng. Biết giá cao hơn rất nhiều so với bình thường nhưng thời điểm này ít có sự lựa chọn lắm, cảm thấy ở đâu hợp lý nhất thì tôi mua”, anh phàn nàn.
Trong khi đó, chủ cửa hàng cho biết số lượng quạt tích điện hiện nay không nhiều và chỉ về nhỏ giọt. Hàng hết nhanh nên mẫu mã không quá phong phú, chủ yếu là loại có kích thước bé, nhỏ gọn. Việc hàng khan hiếm cũng khiến kéo giá đầu vào lên cao, đẩy giá bán lẻ thêm 30-40%.
Càng bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt và cắt điện thường xuyên, thị trường kinh doanh quạt tích điện, quạt chạy bằng năng lượng mặt trời lại càng sôi động khi nhu cầu của người tiêu dùng không hề có dấu hiệu suy giảm. Từ cửa hàng bán lẻ cho đến chuỗi siêu thị điện máy lớn, các thiết bị làm mát trong trường hợp mất điện luôn thu hút lượng lớn người mua.
Di chuyển đến một chuỗi điện máy lớn nằm trên phố Lê Đại Hành, dù chưa kịp xuống xe, phóng viên đã được bảo vệ tại đây hỏi thăm cần mua sản phẩm gì. Sau khi nhắc đến đến quạt tích điện, người này nhanh chóng lắc đầu, thông báo mặt hàng này đã hết từ lâu.
“Nếu cậu mua quạt tích điện thì không còn hàng từ lâu lắm rồi. Ai đến tôi cũng phải hỏi trước, thông báo luôn để đỡ mất công vào tìm”, ông cho biết.
|
Một mẫu quạt năng lượng mặt trời gia công từ Trung Quốc được bán phổ biến hiện nay. Ảnh: NVCC. |
Trên chợ mạng, hoạt động kinh doanh mua bán các sản phẩm làm mát tích điện, sử dụng năng lượng mặt trời vẫn diễn ra tấp nập. Song, người tiêu dùng không khỏi hoa mắt khi mẫu mã, thương hiệu, giá cả của những loại quạt này quá đa dạng.
Điển hình, có nhiều thương hiệu khác nhau như Makita, Honjianda, Kentom chung thiết kế, kiểu dáng với chiếc quạt tích điện mới mua của anh Tùng Anh. Nhìn chung đa phần thương hiệu quạt tích điện có xuất xứ Trung Quốc, một số được giới thiệu sản xuất, gia công tại Việt Nam nhưng không có nhiều cách để kiểm chứng.
Đặc điểm của quạt tích điện là đều có ắc quy/pin riêng có thể sử dụng 8-12 tiếng tùy mức độ sử dụng. Mặt khác quạt sạc rất mất thời gian, kéo dài 8-10 tiếng .
Giá thành các mặt hàng cũng tương đối chênh lệch, dao động 900.000-1,6 triệu đồng. So với sàn thương mại điện tử, mức giá của chiếc quạt tích điện Sunca bán tại phố Nguyễn Công Trứ đang đắt hơn 300.000-500.000 đồng.
Đối với mẫu quạt có công suất cao hơn hoặc kèm chân đế, giá bán có thể lên đến 2-4 triệu đồng. Ngoài hàng Trung Quốc, người dùng cũng có thể tham khảo sản phẩm của thương hiệu hiệu trong nước như Sunhouse, Kangaroo…
Bên cạnh quạt tích điện, các mẫu quạt sạc bằng năng lượng mặt trời cũng được người tiêu dùng săn đón. Dẫu vậy, chất lượng và tính an toàn của những sản phẩm này khiến nhiều người nghi ngại do chủ yếu là hàng gia công từ Trung Quốc.
Đáng nói, giá bán lẻ của những chiếc máy này khá cao. Điển hình như mẫu quạt sàn công suất 20 W có giá 1,3-1,5 triệu đồng/chiếc, quạt cây công suất 25 W có giá trên dưới 2 triệu đồng/chiếc.
Tranh thủ cơn sốt quạt tích điện, quạt năng lượng mặt trời, nhiều tiểu thương sẵn sàng chi hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để nhập hàng từ đầu mối. Hoạt động buôn bán này được diễn ra công khai trong các hội nhóm mạng xã hội.
Các đầu mối có nhiệm vụ thỏa thuận, đặt hàng trực tiếp với xưởng sản xuất/gia công bên Trung Quốc. Sau khi hoàn tất hợp đồng, đầu mối sẽ đăng tuyển đại lý hoặc cộng tác viên bán hàng.
Trao đổi với phóng viên, Hoài Sơn - một đầu mối sinh sống quanh khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - cho biết đã đặt 1.000 chiếc quạt năng lượng mặt trời tại một một xưởng sản xuất nằm ở thành phố Đông Hưng, Trung Quốc.
|
Các mẫu quạt điện được đặt hàng gia công từ Trung Quốc. Ảnh: NVCC. |
“Đối tác có danh sách mẫu mã riêng để mình lựa chọn. Ưng mẫu nào thì chọn mẫu đó nhưng số lượng phải lớn. Mẫu phổ biến nhất hiện nay là loại quạt sàn năng lượng mặt trời có công suất 15-20 W”, anh nói.
Khách lấy sỉ tối thiểu 20 chiếc với giá 700.000 đồng/chiếc, lấy 300 chiếc giảm còn 680.000 đồng/chiếc. Hàng đặt khoảng 10 ngày sau sẽ về Việt Nam.
Đầu mối này cũng đang có sẵn 35 chiếc quạt sàn nhưng chỉ sẵn sàng bán với giá 1,4 triệu đồng/chiếc, tức cao gấp đôi so với hàng đặt trước.
Văn Nam - một đầu mối khác ở Quảng Ninh - cũng đang rao sỉ mẫu quạt năng lượng mặt trời đế cao, công suất 25 W với giá 900.000 đồng/chiếc. “Mình còn một lô 2.000 chiếc đầu tuần sau về nhưng đẩy gần hết rồi, còn 100 chiếc thôi”, người này quảng cáo.
Ước tính nếu bán 2.000 chiếc quạt với giá bình quân 900.000 đồng/chiếc, đầu mối này có thể thu về 1,8 tỷ đồng tiền hàng. Khi được hỏi về chế độ bảo hành, người này cam kết nhận bảo hành 2 năm nếu khách lấy số lượng lớn.
Mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị cấp dưới kiểm soát hoạt động kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa như máy phát điện, các loại quạt tích điện, quạt hơi nước, thiết bị làm mát.
Theo cơ quan quản lý, có tình trạng người dân đổ xô đi tìm mua các sản phẩm làm mát kể trên do sự ảnh hưởng từ hoạt động cắt điện luân phiên trong những ngày nắng nóng. Từ đó khiến các sản phẩm có dấu hiệu bị cháy hàng do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm tăng giá (định giá mua, giá bán bất hợp lý) nhằm trục lợi trong kinh doanh, lưu thông, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Vì vậy, Cục yêu cầu các đơn vị quản lý thị trường phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để tăng giá hòng thu lợi bất hợp pháp. Ngoài ra, Cục đề nghị siết chặt hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu thông các sản phẩm hàng hóa thiết bị điện làm mát nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.