Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng cảnh báo người dân cần cẩn trọng với quảng cáo của Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi DiaBet trên một số website.
Viên sủi Diabet quảng cáo sai sự thật trên nhiều website. |
Theo đó, đơn vị này chỉ rõ, trên website http://viensuidiabet.ondinhduonghuyet.fun/diabetmai1 quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi DiaBet với công dụng không đúng sự thật. Đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) nhưng đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.
Sản phẩm Viên sủi DiaBet được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ SHB Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà Toyota Thanh Xuân, số 315 Trường Chinh, phường Phương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm TPBVSK Diabet tại địa chỉ trang web http://viensuidiabet.ondinhduonghuyet.fun |
Ngoài ra, theo phản ánh của bạn đọc đến Kiến Thức, nhiều website khác cũng đang vi phạm các nội dung quảng cáo như cảnh báo của Cục ATTP, khiến họ tin tưởng và mua về dùng nhưng không mang lại hiệu quả. Cụ thể, trên trang Diabet.vn, sản phẩm này được quảng cáo với nhiều nội dung khiến người ta nghĩ đây là thuốc chữa trị bệnh tiểu đường.
Cụ thể, nội dung quảng cáo nêu rõ Diabet được điều chế với dạng viên sủi, hòa tan nhanh trong nước, Diabet cho hiệu quả nhanh hơn so với những dạng uống thông thường.
“Đặc biệt chứa thành phần Alpha lipoic acid (ALA), có tác dụng hiệu quả giúp: Giảm stress oxy hóa, Giảm đề kháng in-su-lin, Ngăn chặn và cải thiện biến chứng thần kinh tiểu đường. Tại các Quốc gia phát triển, đặc biệt là Đức từ những thập niên 80 đã sử dụng ALA là thuốc đặc trị biến chứng thần kinh do tiểu đường” - là những nội dung được quảng cáo trên trang Diabet.vn.
Bà Nguyễn Thị Lộc (Nghệ An) cho hay, bà bị tiểu đường mấy năm nay nên khi đọc được thông tin quảng cáo này bà rất mừng, nên mua về dùng. Nhưng càng dùng, không những không có hiệu quả mà vì chủ quan nên bà ăn uống không kiêng khem dẫn đến chỉ số đường huyết cao hơn khi chưa dùng.
TPBVSK Diabet quảng cáo trị tiểu đường hiệu quả cực nhanh. |
Cũng theo tìm hiểu của Kiến Thức, website https://www.camnangsuckhoe24h.work/diabet? Cũng có nhiều quảng cáo khiến người bệnh nhầm tưởng đây là “tiên dược”.
Cụ thể, trang này cho hay viên sủi Diabet chuyên hỗ trợ điều trị tiểu đường type 1, type 2, hiêu quả gấp 300 lần các phương pháp thông thường; Duy trì chỉ số tiểu đường, hạn chế tối đa biến chứng tiểu đường; Giảm phụ thuộc thuốc tây từ đó giảm tác dụng phụ của thuốc; Xóa bỏ tình trạng kiêng khem trong ăn uống…
Thậm chí, trang này còn nêu rõ: “Nhờ việc áp dụng công nghệ Alpha Lipolic Acid (ALA) tạo ra viên sủi Diabet trị tiểu đường hiệu quả cực nhanh. Nó hoàn toàn không có tác dụng phụ và an toàn cho sức khỏe”.
Nhằm lấy niềm tin người tiêu dùng, tăng khả năng bán hàng, website này sử dụng các video sử dụng hình ảnh nhiều người nổi tiếng như NSND Phú Đôn, NSND Nguyễn Hải, NSND Minh Hằng để nói về sản phẩm. Đồng thời, sử dụng các phản hồi của bệnh nhân cho rằng sản phẩm rất tốt với bệnh tiểu đường.
TPBVSK Diabet sử dụng bệnh nhân để nói về sản phẩm. |
Đặc biệt, cả hai website Diabet.vn và https://www.camnangsuckhoe24h.work/diabet đều sử dụng hình ảnh PGS.TS Trần Thị Hồng Phương, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền, Bộ Y tế, người được cho là tác giả nghiên cứu ra viên sủi Daibet để quảng cáo sản phẩm.
Theo nhiều chuyên gia, các sản phẩm TPBVSK chỉ mang tính chất hỗ trợ đối với người bệnh tiểu đường. Để điều trị bệnh cũng như kiểm soát chỉ số đường trong máu, người bệnh cần định kỳ thăm khám bệnh, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và có các chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học hợp lý với người bệnh.
Tuyệt đối, bệnh nhân không nên tin theo các quảng cáo, từ đó mua sử dụng mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế, nhất là bỏ thuốc, ăn uống không chú ý dẫn đến bệnh nặng thêm, nguy cơ biến chứng cao.
Cục An toàn thực phẩm cho hay, đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên.
“Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế”, Cục An toàn thực phẩm nêu rõ.