Cơ chế tự làm sạch của tai
Có một số thông tin cho rằng, tai có cơ chế tự làm sạch và đùn ráy tai ra ngoài. Vì vậy việc lấy ráy tai là một việc làm vô nghĩa. Một số quan điểm khác thì cho rằng ráy tai là việc cần làm thường xuyên để tốt cho tai. Ngoài ra, có nhiều người còn tin rằng ráy tai khô là tốt, người có ráy tai ướt là là đang có vấn đề về sức khỏe.
PGS. TS Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam cho biết, trong ống tai luôn có một lớp chất màu vàng phủ trên da hay còn gọi là ráy tai. Ráy tai được tiết ra từ ống tai và có tác dụng bảo vệ cho ống tai tránh khỏi tổn thương và nhiễm trùng. Cấu tạo của ống tai hơi dốc ra ngoài để đẩy các chất bụi bẩn ra bên ngoài và làm sạch ống tai.
Cả ráy tai khô và ráy tai ướt đều có chức năng bảo vệ cho ống tai, ngăn cản côn trùng, chất bẩn thâm nhập làm ảnh hưởng tới chức năng của tai, ảnh minh họa. |
Về cơ chế chức năng của tai đúng là có khả năng tự làm sạch. Nhưng khi ráy tai đẩy ra ngoài cũng mang theo vi khuẩn và chất bẩn, nếu không được lấy ra kịp thời cũng sẽ ảnh hưởng tới tai.
Bác sĩ Quang cho rằng, không nên lấy ráy tai thường xuyên. Khi ráy tai được đẩy ra ngoài ống tai thì phải dùng bông tăm lau nhẹ nhàng vừa giữ được vệ sinh, tuyệt đối không dùng bông tăm, vật sắt thụt sâu vào trong tai có thể làm tổn thương tới tai.
Có những trường hợp ráy tai quá dày có thể ảnh hưởng tới chức năng nghe. Khi đó cần phải đi khám để bác sĩ có những sự can thiệp kịp thời.
Ráy tai nước là do bị nhiễm trùng?
Nói về quan điểm nhiều người cho rằng ráy tai ướt là tai đang bị nhiễm trùng, bác sĩ Quang cho rằng, đây là quan niệm không đúng. Ráy tay gồm có hai loại ráy tay khô và ướt. Ráy tai là sản phẩm được tiết ra từ ống tai nên ướt hay khô sẽ phụ thuộc vào sự hoạt động của tuyến ráy tai mỗi người. Quan niệm ráy tai khô tốt hơn ráy tai ướt đang tồn tại trong suy nghĩ của mọi người là sai lầm.
“Cả ráy tai khô và ráy tai ướt đều có chức năng bảo vệ cho ống tai, ngăn cản côn trùng, chất bẩn thâm nhập làm ảnh hưởng tới chức năng của tai. Người có ráy tai khô, khi chẳng may bị nước vào tai ví dụ như đi bơi, tắm biển, tắm… sẽ làm cho ráy tai khô nở ra có thể gây nút ống tai rất nguy hiểm ảnh hưởng tới chức năng nghe. Những trường hợp bị nút ống tai thường phải tới bác sĩ can thiệp, bơm hóa chất và đưa ra ngoài”, bác sĩ Quang nói.
Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Khi mọi người nhìn thấy người có ráy tai ướt thường nghĩ rất bẩn và không tốt. Người bị ráy tai ướt sẽ cảm thấy bất tiện về yếu tố thẩm mỹ khi người khác nhìn vào. Nhưng loại ráy tai ướt lại có khả năng bảo vệ tai tốt hơn so với ráy tai khô. Vì tính thẩm mỹ người có ráy tai ướt sau khi tắm xong chỉ cần lấy bông lau sạch”.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, trong những ngày hè, bệnh lý về tai cơ nguy cơ mắc cao như viêm ống tai do đi bơi nhiều. Cách phòng tránh bệnh tốt nhất là sau khi bơi xong dùng bông tăm lau, vệ sinh bên ngoài tai sạch sẽ.