Chiều 17/12, Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xác nhận đang xử lý vụ xô xát xảy ra tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương khiến ông Nguyễn Minh Biên (quản lý khách sạn Ông Lang Village) nhập viện. Hiện, ông Biên đang được bác sĩ theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc và cán bộ điều tra đã đến ghi lời khai.
Vụ việc xảy ra vào sáng cùng ngày khi ông Biên dùng búa đập ổ khóa hàng rào của chủ đầu tư khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc. Hàng rào này được chủ đầu tư ghi là "Cổng số 2, địa điểm ấp Ông Lang, xã Cửa Dương..." được dựng lên từ giữa năm 2018 đến nay.
Khách sạn bị "nhốt" 20 ngày
Theo ông Biên, lý do đập ổ khóa hàng rào cách cổng chính của khách sạn khoảng 5 m vì bảo vệ không mở cho nhân viên của ông và khách ra vào nơi kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Ông Biên đang được theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc. |
"Trước đây chủ đầu tư xây hàng rào chắn lối xuống biển và bít cửa chính của khách sạn Ông Lang Village nên chúng tôi mở cổng phụ. Ngày 28/11, chủ đầu tư cho người xây bít luôn cổng phụ, nhân viên và khách muốn ra vào phải xin phép bảo vệ. Sáng nay, bảo vệ nói chủ của họ lấy chìa khóa cổng rào đi rồi nên buộc lòng chúng tôi phải tìm cách giải thoát cho mình. Khi tôi phá ổ khóa thì có khoảng 12 người xông vào đánh trước sự chứng kiến của khách đến thuê phòng", ông Biên nói.
Ông Biên còn nói rằng việc chủ đầu tư khu du lịch sinh thái xây hàng rào làm bít hết lối ra vào khách sạn như "giọt nước làm tràn ly". Ba tuần qua, nhiều lần ông Biên muốn đập hàng rào để có lối ra vào nhưng vì muốn giải quyết mâu thuẫn trong ôn hòa, kìm nén bức xúc nên không đập phá.
"Họ dùng tay đánh vào bụng, ngực, lưng, đầu và mặt tôi. Mặt tôi phù nề rất to, bụng và lưng đau nhức dữ dội", ông Biên chia sẻ.
Hơn một năm trước, đầu tháng 6/2018, doanh nghiệp lập dự án sân golf và khu sinh thái đã làm hàng rào chắn lối vào nhà hàng và lối xuống bãi biển Ông Lang nên người dân căng băng rôn phản đối.
Chủ đầu tư sau đó dựng bảng "cơ sở pháp lý dự án" với nội dung doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 vào năm 2006. Đến năm 2011, tỉnh này phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, quy mô 205 ha.
Mặt ông Biên sưng to sau khi bị đánh. |
Từ năm 2012-2014, Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc có 3 biên bản bàn giao đất cho doanh nghiệp. Tháng 2/2015, Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc ký hợp đồng cho chủ đầu tư thuê đất. Dựa vào những cơ sở này, chủ đầu tư đã làm hàng rào chắn lối xuống biển và bịt cửa ra vào của khách sạn dù không ít đất đai, cây xanh, tài sản trên đất chưa được bồi thường.
Theo chủ đầu tư khu du lịch, lý do họ xây hàng rào vì khách sạn Ông Lang Village bao chiếm đất. Còn đường mà người dân nói rằng để đi xuống biển, chủ đầu tư lý giải đó chỉ là lối đi chung của hai hộ dân và hai hộ này đã đồng ý giao đất cho dự án nên việc lập hàng rào bên ngoài là không sai.
Phản bác ý kiến của chủ đầu tư, ông Võ Thành Nhơn (chủ khách sạn Ông Lang Village) đưa ra giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất mua của ông Lê Văn Dũng ở ấp Ông Lang. Đất này do cha ruột của ông Dũng là ông Lê Văn Thêu khẩn hoang trước năm 1978, canh tác ổn định và được Trưởng ban nhân dân ấp Ông Lang là ông Lê Văn Tiền xác nhận việc mua bán vào tháng 8/2002.
"Nếu chủ đầu tư khu du lịch sinh thái không chịu bồi thường và nói ngang thì tôi sẽ kiện họ ra tòa. Nói tôi lấn đất của chủ đầu tư để xây khách sạn trái phép nhưng tại lúc đó chính quyền huyện Phú Quốc không cưỡng chế", ông Nhơn khẳng định.
Theo ông Nhơn, trước đây nhà đầu tư quy hoạch khu du lịch sinh thái thì đất của khách sạn không nằm trong dự án. Sau đó, cơ quan chức năng điều chỉnh dự án theo tọa độ thì đất nằm một phần trong dự án.
Cổng rào bít lối vào khách sạn do ông Biên quản lý. |
"Đất của ông Dũng từng được Trưởng ấp Ông Lang trước đây là ông Huỳnh Văn Thuận xác nhận nguồn gốc là do ông Lê Văn Thêu khai phá. Tôi mua hợp pháp và một phần đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần còn lại là khách sạn. Nếu chính quyền thu hồi để giao cho dự án mà không bồi thường thì tôi sẽ kiện ra tòa", ông Nhơn khẳng định.
Ông Nhơn còn nói rằng các resort ở khu vực ấp Ông Lang hiện nay đều "chết đứng", kinh doanh ế ẩm vì khách hủy phòng do không còn đường xuống biển. Nhiều chủ đầu tư dịch vụ lưu trú ở đây phải treo bảng cho thuê lại khách sạn vì lỗ vốn.
UBND huyện Phú Quốc từng chỉ đạo mở đường cho dân xuống biển
Trước việc doanh nghiệp rào đường xuống biển, ông Văn Mạnh Trường, Phó văn phòng UBND huyện Phú Quốc từng ký công văn truyền đạt ký kiến của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc trước đây là ông Đinh Khoa Toàn (nay là Phó bí thư Huyện ủy Phú Quốc) với nội dung xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư.
Theo công văn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc yêu cầu nhà đầu tư bố trí vốn để thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Đặc biệt là chủ đầu tư phải giữ nguyên tuyến đường xuống biển, không rào chắn lại để người dân và du khách đi lại, tham quan, tắm biển. Đối với các hộ chưa bàn giao đất thì chủ đầu tư không được tác động đến.
Ông Trương Văn Buôi, nguyên Trưởng ấp Ông Lang, cho biết nơi doanh nghiệp lập hàng rào và treo bảng "không phận sự cấm vào" là đường huyết mạch để người dân trong vùng đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn.
"Con đường xuống biển này hình thành qua hai cuộc kháng chiến. Tôi là thương binh, từng làm trưởng ấp nên rất rõ chuyện này. Đền bù đất chưa xong mà anh rào đường của người ta là không thể chấp nhận", ông Buôi nói.
UBND huyện Phú Quốc từng có chỉ đạo doanh nghiệp giữ nguyên tuyến đường xuống biển, không rào chắn lại để người dân và du khách đi lại, tham quan, tắm biển. |
Còn ông Phạm Văn Mận, nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc thì cho rằng nhà đầu tư đã sai khi làm hàng rào chắn con đường huyết mạch của người dân xuống biển mỗi ngày. Chính quyền cũng sai vì chưa cấp nền tái định cư cho dân.
Đối với bức xúc của chủ khách sạn Ông Lang Village về việc chưa được chủ đầu tư khu du lịch sinh thái bồi thường đất và tài sản trên đất nhưng họ đã làm hàng rào "nhốt" khách sạn lại, trong lần trao đổi với báo chí đầu tháng 12/2019, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng khẳng định đất của khách sạn này nếu mua hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.