Những người nổi tiếng này bị cáo buộc kích động công chức tham gia vào phong trào chống đối và ủng hộ Ủy ban đại Diện Pyidaungsu Hluttaw, vốn được thành lập bởi các nghị sĩ dân cử đã thắng cuộc bầu cử cuối năm 2020. Nhóm này đã bị chính quyền quân sự xem là tổ chức bất hợp pháp, theo một bản tin trên truyền hình quân đội.
Trước đó, ngày 1/4, quân đội cũng tuyên bố bà Aung San Suu Kyi cùng bốn cộng sự của mình bị buộc tội vi phạm đạo luật chính thức về bí mật thời thuộc địa của Myanmar.
Hiện tại, tình hình sức khoẻ của bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint có vẻ tương đối tốt. Phiên điều trần của họ đã bị thông báo hoãn lại đến ngày 12/4, theo nguồn tin từ Reuters.
Đụng độ căng thẳng giữa quân đội Myanmar và những người biểu tình. Ảnh: Reuters |
Phản ứng trước tình trạng bạo lực ở Myanmar, ngày 2/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, gây ra cái chết của hàng trăm thường dân.
Reuters dẫn thông tin từ một nhóm quan sát cho biết trong 2 tháng biểu tình sau ngày binh biến, ít nhất 512 người đã thiệt mạng.
Hội đồng Bảo an cho biết họ "quan ngại sâu sắc trước tình hình đang xấu đi nhanh chóng" tại Myanmar và nhắc lại "sự cần thiết phải tôn trọng đầy đủ các quyền con người đồng thời theo đuổi đối thoại và hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar", yêu cầu “trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint."
Cuộc khủng hoảng tại Myanmar bắt đầu từ ngày 1/2 khi quân đội tuyên bố bãi bỏ chiến thắng của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, do bà Suu Kyi lãnh đạo, trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử gian lận.
Quân đội sau đó đã bắt giữ cố vấn chà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, mở đầu cuộc chính biến đầu tiên của đất nước kể từ năm 1988, chấm dứt một thập kỷ chính quyền dân sự quản lý Myanmar.