Kim Dung viết tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục vào năm 1955, sau khi Lương Vũ Sinh mở đầu thời kỳ tiểu thuyết võ hiệp tân phái với Long hổ đấu kinh hoa (1954). Cả Thư kiếm ân cừu lục và Bích huyết kiếm (1956) đều có sự kết hợp khéo léo giữa lịch sử và truyền kỳ, giúp cái tên Kim Dung lập tức vang danh thiên hạ.
Với Xạ điêu anh hùng truyện (1957-1959), bộ tiểu thuyết có quy mô to lớn, kết cấu phức tạp và nhân vật sinh động, Kim Dung chính thức được thừa nhận là “võ lâm minh chủ”, vượt lên trên Lương Vũ Sinh. Xạ điêu anh hùng truyện cũng được đánh giá là một cột mốc lớn của tiểu thuyết võ hiệp tân phái.
Còn Lộc Đỉnh ký (1969-1972) là bộ tiểu thuyết võ hiệp cuối cùng trong sự nghiệp của Kim Dung và được nhiều chuyên gia “Kim học” đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của ông, vượt trội Xạ điêu tam bộ khúc, Thiên long bát bộ và Tiếu ngạo giang hồ.
Như vậy, có thể khẳng định Quách Tĩnh của Xạ điêu anh hùng truyện và Vi Tiểu Bảo của Lộc Đỉnh ký là hai nhân vật quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất đối với sự nghiệp của Kim Dung. Và điều thú vị là họ hoàn toàn đối lập nhau, từ tính cách, võ công cho đến lý tưởng sống.
Quách Tĩnh trung hậu, thật thà, là bậc đại hiệp lý tưởng còn Vi Tiểu Bảo là tên lưu manh tham lam hiếu sắc, là hình tượng “phản hiệp” 100%.
Nhưng vì Kim Dung tự giam mình trong khung hiệp khách chật hẹp nên ông lý tưởng hóa Quách Tĩnh đến mức chàng trở thành một hình mẫu khô cứng. Ngược lại, ngòi bút tự do, phóng túng của Kim Dung đã khiến Vi Tiểu Bảo trở nên vô cùng sinh động và sâu sắc, có đầy đủ máu thịt và linh hồn.
Quách Tĩnh - thành công và thất bại của Kim Dung
Bắt đầu từ Xạ điêu anh hùng truyện, Kim Dung áp dụng “mô hình trưởng thành” (coming of age) rất phổ biến trong văn học phương Tây, mô tả quá trình trưởng thành của nhân vật cùng những suy nghĩ, cảm xúc, diễn biến tâm lý.
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên Kim Dung kết hợp ba yếu tố lịch sử - truyền kỳ (chuyện giang hồ) - nhân sinh (chuyện con người). nhờ đó Xạ điêu anh hùng truyện có chất lượng và quy mô vượt xa Thư kiếm ân cừu lục và Bích huyết kiếm.
Quách Tĩnh cũng có khởi điểm giống như vô vàn nhân vật tiểu thuyết võ hiệp khác: cha bị sát hại, gia đình ly tán, quyết chí phục cừu. Tuy nhiên, Kim Dung là… Kim Dung, chứ không phải một tác giả tầm thường nào khác, nên không có chuyện Quách Tĩnh phong lưu anh tuấn, thông minh sắc bén, đột nhiên tìm thấy bí kíp, qua một đêm trở thành cao thủ võ lâm.
Tác giả mô tả Quách Tĩnh diện mạo bình thường, đầu óc chậm chạp, thậm chí có thể gọi là dốt. Con đường thành tài của Quách Tĩnh là quá trình rèn luyện đầy gian nan, từ lúc bị Giang Nam thất quái thay phiên nhau nhồi nhét, may nhờ Mã Ngọc đạo trưởng khai sáng, rồi được Bắc Cái Hồng Thất Công truyền dạy tuyệt nghệ thực thụ.
Sau đó, chàng học Cửu Âm chân kinh và Song thủ hỗ bác từ Lão Ngoan Đồng, quan sát các bậc tông sư như Nam Đế, Đông Tà và Tây Độc để tự mở mang, để rồi mãi sau này có thể đứng trên đỉnh Hoa Sơn so tài với sư phụ và cha vợ.
Con đường trưởng thành của Quách Tĩnh còn có cả những gập gềnh, chông gai, như chuyện vì đính ước với Hoa Tranh công chúa nên ảnh hưởng tới tình cảm dành cho Hoàng Dung, bị Dương Khang và Âu Dương Phong gài bẫy nên hiểu lầm Hoàng Dược Sư, vì tham gia vào các cuộc chinh chiến đẫm máu của quân Mông Cổ mà đánh mất niềm tin vào con đường hiệp nghĩa.
Báo thù thành công cho cha, trên đỉnh Hoa Sơn sánh ngang với Đông Tà và Bắc Cái không phải là những thứ khẳng định hình tượng đại hiệp của Quách Tĩnh, mà là việc chàng quyết định vì dân vì nước, tham gia chống giặc ở thành Tương Dương.
Quách Tĩnh của Xạ điêu anh hùng truyện là thành công đột phá của Kim Dung, giúp ông khẳng định tầm vóc và tài năng. Nhưng đáng tiếc là chính ông lại phá hỏng nhân vật này trong Thần điêu hiệp lữ. Khi đó, Quách Tĩnh đã trưởng thành, là bậc đại hiệp danh tiếng lừng lẫy.
Nhưng Quách Tĩnh đó thật nhạt nhẽo, vô vị và phi thực tế. Bị đóng chặt trong cái khung anh hùng nghĩa hiệp mang tính lý tưởng hóa quá nặng, Quách Tĩnh trở thành một người không có ham muốn, không có tình cảm riêng tư, hoàn toàn hi sinh tự ngã, mọi hành động và suy nghĩa chỉ quanh quẩn ở chuyện bảo vệ thành Tương Dương.
Quách Tĩnh trở thành một nhân vật hoạt hình nông cạn, khô cứng. Chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài chôn vùi hình tượng Quách Tĩnh là cảnh chàng đòi chặt tay con gái Quách Phù để đền bù cho Dương Quá. Trên đời này, liệu có một người cha tử tế nào “hăng hái” làm tổn thương con mình như vậy?
Khi viết về các nhân vật hiệp khách của Lương Vũ Sinh, nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc, tác giả cuốn Võ hiệp ngũ đại gia (NXB Trẻ - 2003), nhận định danh gia họ Lương đã “đeo gông xiềng mà nhảy múa”, nên rốt cuộc chỉ toàn viết về người tốt việc tốt trong lịch sử. Với Quách Tĩnh, có lẽ Kim Dung cũng đã tự đeo gông xiềng “hiệp nghĩa”, khiến nhân vật bị trói buộc theo, rơi vào suy thoái.
Quách Tĩnh là thành công lớn mang tính đột phá của Kim Dung, nhưng đồng thời cũng là thất bại lớn của ông.
“Đệ nhất chân nhân” Vi Tiểu Bảo
Cũng thật lạ là khi tự tay phá hủy nhân vật Quách Tĩnh trong Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung cùng lúc sáng tạo nên một Dương Quá giàu tình cảm, đầy cảm xúc, đậm chất con người. Kể từ Dương Quá, các nhân vật chính của Kim Dung đều có sự chuyển biến lớn.
Giống như Dương Quá, các nam chính gồm Trương Vô Kỵ, Địch Vân, Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Thạch Phá Thiên và Lệnh Hồ Xung đều không đi theo hình tượng đại hiệp mẫu mực kiểu như Quách Tĩnh. Và đến Lộc Đỉnh ký, sự thay đổi của Kim Dung diễn ra triệt để. Vi Tiểu Bảo là “phản hiệp”, đối lập hoàn toàn với Quách Tĩnh, giống như sự đối lập giữa chính và tà.
Lưu ý là tà ở đây không phải là ác, mà là sự đối lập với tinh thần hiệp khách chính nghĩa. Đầu tiên là xuất thân. Quách Tĩnh gia cảnh trong sạch, thân thế rõ ràng. Còn Vi Tiểu Bảo là con của một cô gái điếm, sinh ra và lớn lên trong kỹ viện, không hề biết cha mình là ai.
Quách Tĩnh là đại hiệp vì dân vì nước, còn Vi Tiểu Bảo hoàn toàn vì bản thân mình, đầu tiên là sinh tồn tại kỹ viện, sau đó là sống sót ở hoàng cung và chốn giang hồ. Tất cả những Vi Tiểu Bảo làm đều là vì bản thân mình.
Quách Tĩnh đầy khí phách, không hề e sợ hiểm nguy, coi thường cái chết. Còn Vi Tiểu Bảo là kẻ nhát gan, tham sống sợ chết, gặp nguy hiểm thì run rẩy đến mức muốn tè ra quần, biết môn võ duy nhất là khinh công chạy thật nhanh.
Quách Tĩnh trung hậu đàng hoàng, còn Vi Tiểu Bảo gian manh, háo sắc, một lần nhìn thấy A Kha là điên đảo thần hồn, cuối cùng lấy tới bảy người vợ. Hắn còn tham lam vô độ, một ngày làm quan ở Đài Loan đã vơ vét của dân, kiếm chác được cả trăm vạn lượng bạc, nhưng khôn khéo đến mức khi đi rồi vẫn được người dân ca tụng là quan thanh liêm, đúng là “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả”.
Vi Tiểu Bảo tình cờ lọt vào hoàng cung, trở thành người bạn thân thiết của hoàng đế Khang Hy. Hắn sinh ra và lớn lên tại lầu xanh ở Dương Châu, rất giỏi lấy lòng và bợ đỡ người khác. Trong sách, Kim Dung dùng cụm từ “vỗ mông ngựa” để mô tả khả năng tâng bốc và xu nịnh, và đó là công phu lợi hại nhất của Vi Tiểu Bảo.
Nhờ công phu đó, Vi Tiểu Bảo không chỉ tỏa sáng nơi hoàng cung, trở thành hồng nhân bên cạnh hoàng thượng, mà còn thành danh chốn giang hồ khi trở thành hương chủ Thiên Địa hội và Bạch Long sứ của Thần long giáo.
Rốt cuộc thằng lỏi con sinh ra từ kỹ viện, một chữ bẻ đôi không biết lại trở thành Lộc Đỉnh công của triều Thanh kiêm em rể hoàng đế, hương chủ Thiên Địa hội, thậm chí thành tình nhân của công chúa nước Nga. Tưởng như thật vô lý nhưng lại đầy thuyết phục, bởi tất cả đều phù hợp với tâm lý và tính cách của Vi Tiểu Bảo.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong cuốn Võ hiệp ngũ đại gia, nhà nghiên cứu Trần Mặc khẳng định Vi Tiểu Bảo là “đệ nhất kỳ nhân” kiêm “đệ nhất chân nhân” trong tiểu thuyết Kim Dung. Thậm chí ông còn cho rằng Vi Tiểu Bảo thể hiện “quốc dân tính” (tính cách dân tộc) của người Trung Quốc, giống như nhân vật AQ của Lỗ Tấn.
“Chính tác giả đã viết trong bài Hậu ký: ‘Ở thời Khang Hy, con người như Vi Tiểu Bảo là hoàn toàn có thể có’. Há là có thể thôi sao? Phải nói tất nhiên là có. Và há chỉ ở thời Khang Hy sao? Trong lịch sử Trung Quốc, thời đại nào cũng có con người như thế”, nhà nghiên cứu Trần Mặc nhấn mạnh.
Quách Tĩnh và Vi Tiểu Bảo là sự đối lập của đại anh hùng và tiểu lưu manh, của chính và tà, của sự ước lệ công thức và sống động, chân thực. Từ Quách Tĩnh, Kim Dung đã liên tục đổi mới, không chịu lặp lại chính mình, đi sâu vào phân tích tâm lý con người, để cuối cùng tạo ra một Vi Tiểu Bảo “đệ nhất chân nhân”.
Đó là lý do Kim Dung trở thành “võ lâm minh chủ” của văn học võ hiệp tân phái, xếp trên Lương Vũ Sinh và Cổ Long, được thừa nhận là bậc đại sư nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc.