Theo Army Recognition, tại diễn đàn quân sự quốc tế Army-2016 Quân đội Nga đã lần đầu tiên trình diễn sức mạnh của tổ hợp pháo phản lực Tornado-G trước công chúng. Tornado-G chỉ mới được Nga đưa vào trang bị từ năm 2014.
Tornado-G (Multiple Rocket Launch System) là biến thể cải tiến của tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad do Liên Xô chế tạo trước đây. Nó vẫn được đặt trên khung gầm xe tải đặc chủng Kamaz hoặc Ural-4320. Tuy nhiên kíp chiến đấu của Tornado-G được giảm xuống chỉ còn ba binh sĩ so với 6 binh sĩ của BM-21.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt tiên tiến Tornado-G của Quân đội Nga. |
Trong thử nghiệm, pháo phản lực Tornado-G được đánh giá có hiệu quả tác chiến gấp ba lần so với những người tiền nhiệm của nó. Tornado-G được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2012 trong một đợt tập quy mô Quân đội Nga và được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2013.
Giống như Grad, Tornado-G được trang bị cụm ống phóng 40 nòng 120mm được đặt gọn trên khung gầm Ural-4320, nhưng làm theo kiểu module có thể tháo rời dễ dàng, thay vì bệ cố định như Grad. Ở Grad hay Tornado-G vị trí khoang lái của nó thường không được bảo vệ một phần do tổ hợp pháo phản lực này chỉ hoạt động ở tuyến sau.
Tornado-G được thiết kế để tấn công các đơn bị bộ binh, xe bọc thép, khẩu đội pháo cối các loại và trạm chỉ huy của đối phương ở khoảng cách lên tới 40km. Hệ thống điều khiển hỏa lực trên Tornado-G cũng có sự nâng cấp đáng kể so với Grad với hệ thống điều khiển, trinh sát, bắt bám mục tiêu được tích hợp trên cùng một xe và được dẫn đường bằng hệ thống định vị Glonass nên rất thuận tiện cho thao tác, sử dụng và có độ chính xác cao khi tiến công mục tiêu.
Về cơ bản thì việc nâng cấp từ pháo phản lực Grad lên chuẩn Tornado-G là không quá khó, hoàn toàn có thể thực hiện. Đây thực sự là một trong những phương án đáng lưu tâm nếu Việt Nam muốn tăng sức mạnh cho pháo phản lực Grad.