Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã thông tin là bộ đã hoàn tất phương án trình Chính phủ về việc thu phí tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Cụ thể, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ 5 phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, thời gian cụ thể khi nào triển khai thì chưa khẳng định vì phải chờ ý kiến cuối cùng của Chính phủ.
Theo đó, phương án 1, Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm, tức khoảng 30% so với ban đầu.
BOT Cai Lậy. Ảnh: Infonet. |
Lúc này các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ tiếp tục được giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt. Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên quốc lộ 1 hiện nay. Đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận thuộc hai huyện Cai Lậy và Cái Bè như giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.
Phương án 2, là lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Thu phí 15.000 đồng/lượt trên QL1 và trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1. Thời gian thu giá là 10 năm. Phương án này phải tốn thêm khoảng 90 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng và xây dựng trạm mới.
Phương án 3, Giữ nguyên vị trí trạm mức giá 25.000 đồng/lượt phương tiện nhóm 1, thu giá hoàn vốn khoảng 7 năm 7 tháng. Ưu điểm là đảm bảo khả thi về tài chính, không phải bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ, đạt mục tiêu dự án là phân luồng, giảm ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy.
Tuy nhiên, do dư luận còn một số ý kiến cho rằng vị trí trạm thu giá đặt sai nên cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc đặt trạm là đúng quy định. Đồng thời Bộ Công an, địa phương cần có biện pháp đảm bảo việc tiếp tục tổ chức thu giá tại trạm.
Phương án 4, là đặt trạm thu giá trên tuyến tránh. Nhà nước phải sử dụng ngân sách hỗ trợ, theo tính toán sơ bộ phải bố trí ngân sách khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2019.
Phương án 5 là đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng tương tự như hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (hợp đồng BLT), xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy hiện nay, không thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và dùng vốn Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký. Thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT (7 năm 7 tháng). Số tiền thanh toán hàng năm có thể phát sinh (đã bao gồm lãi vay phát sinh) lên 2.026 tỷ đồng.
Theo thứ trưởng Nguyễn Nhật, trong 5 phương án trên, Bộ GTVT thiên về phương án 1, các phương án khác có những bất lợi riêng. Tuy nhiên, hiện nay, các phương án trên Bộ GTVT đã trình Chính phủ và Thủ tướng sẽ quyết định phương án thích hợp nhất.