Năm 2018, số lượng học sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng đột biến, khoảng 20.000 em so với năm 2017. Điều này đã khiến cuộc đua vào lớp 10 của các sỹ tử nóng hơn bao giờ hết.
So với năm 2017, mặt bằng điểm thi vào lớp 10 năm nay giảm nhẹ nhưng việc số lượng thí sinh đội lên rất lớn khiến điểm chuẩn vào trường công là một ẩn số.
Trong khi Sở GD-ĐT mất gần 1 tuần để đưa ra điểm chuẩn sau khi có điểm thi, các trường tư, trường THPT ngoài công lập, đã kịp thông báo nhận hồ sơ cho tới khi đủ chỉ tiêu.
Ảnh: Phụ huynh đợi con trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. |
Được tự chủ về mọi mặt, các trường THPT ngoài công lập đã đưa ra những “luật chơi” riêng trong kỳ tuyển sinh năm nay. Theo đó, người học, phụ huynh không còn là “thượng đế’ mà bị quay như chong chóng.
Sau khi trường THPT Tạ Quang Bửu công bố điểm chuẩn theo kiểu trên sàn chứng khoán, biến động theo giờ, tăng 4,5 điểm trong chưa đầy 2 ngày, đến nay nhiều phụ huynh vẫn đang phải loay hoay trong công cuộc rút-nộp hồ sơ cho con với lý do “không đuổi kịp” trường.
Sáng ngày 3/7, tại trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội), một phụ huynh bức xúc cho biết: “Trước khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn, gia đình tôi đã tới trường này để ghi danh cho con với mức lệ phí là 2 triệu đồng. Cháu thi được 47,5 điểm và được cộng thêm 1 khi ghi danh, tổng cộng là 48,5 điểm. Nhà trường thông báo ngày 1/7 tới trường để nộp hồ sơ nhập học. Nhưng đến sáng ngày 1/7, mang hồ sơ cùng tiền học phí tới trường thì mức điểm chuẩn đã tăng vọt lên 50,5 điểm.
Đồng ý là trường ngoài công lập được tự chủ, nhưng không phải muốn làm gì thì làm. Cách công bố điểm của trường khiến phụ huynh chúng tôi khốn khổ, quay cuồng tìm trường khác cho con. Trong khi đó, phải lên nhiều lần, trường mới hứa hẹn sẽ trả lại phí ghi danh”.
Một phụ huynh khác cho biết: “Mức phí ghi danh nhà trường đưa ra thực chất là để mua 1 điểm. Sáng 30/6, xem điểm chuẩn của trường, gia đình tôi chắc chắn là cháu đã đỗ nên định đến ngày 1/7 sẽ tới trường nộp hồ sơ nhập học như đã được thông báo. Nhưng không ngờ đến chiều, điểm chuẩn của trường lại tiếp tục tăng”.
Phụ huynh này cho biết, mất 2 triệu không tiếc, nhưng cách làm của nhà trường không thể chấp nhận bởi đã đẩy nhiều học sinh từ đỗ thành trượt, bên cạnh đó, khiến nhiều phụ huynh phải quay như chóng chóng để tính phương án chọn trường khác cho con.
Xếp hàng từ sáng sớm rút hồ sơ
Một phụ huynh có con đăng ký vào trường THCS-THPT Lương Thế Vinh ngao ngán cho biết, chị phải xếp hàng từ 6h sáng để xin rút hồ sơ cho con nhưng số thứ tự cũng đã hơn 100.
“Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn, con tôi đỗ trường THPT Chu Văn An. Vì muốn cho con học trường công lập nên gia đình quyết định sẽ rút hồ sơ và chấp nhận mất khoản lệ phí khi nộp hồ sơ là hơn 6 triệu”.
Vị phụ huynh này cũng cho rằng, trường đưa ra thông báo, nếu rút hồ sơ sẽ không được hoàn lại lệ phí, số tiền này sẽ được đưa vào quỹ khuyến học của trường.
“Tôi cho rằng nếu đã đưa vào quỹ khuyến học, thì nên để phụ huynh tự quyết định xem đóng góp cả hay phần nào đó, thay vì cách cưỡng ép như hiện nay. Số tiền này với những gia đình khá giả thì không đáng bao nhiêu, nhưng với nhiều người thì nó là không nhỏ”, phụ huynh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, việc rút hồ sơ của trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cũng khiến không ít phụ huynh rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở khi đúng lúc cần rút hồ sơ, cán bộ của trường lại đi… nghỉ mát chưa về.
Một phụ huynh cho biết, đây đã là lần thứ 3 anh đến trường để xin rút hồ sơ cho con. Trước đó, ngày 1/7, dù đã đến trường nhưng anh phải ra về vì nhà trường thông báo cán bộ đi nghỉ mát. “Tôi chấp nhận mất tiền, chỉ mong rút được hồ sơ nhưng quá vất vả”.
Trước những phản ánh trên báo chí những ngày gần đây về công tác tuyển sinh của 1 số trường THPT ngoài công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ra thông báo yêu cầu trường THPT Lương Thế Vinh và THPT Tạ Quang Bửu cần tạo điều kiện cho phụ huynh rút hồ sơ cũng như trả lại toàn bộ lệ phí khi nộp hồ sơ.
Đồng thời Sở cũng yêu cầu các trường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về công tác tuyển sinh năm nay.