Từ chiều tối ngày 6/8 đến nay, câu chuyện một bé trai bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong vẫn gây bão mạng xã hội và dư luận cả nước với nhiều cảm xúc đau đớn, tiếc thương cho cháu bé và căm phẫn với sự tắc trách khủng khiếp của giáo viên cũng như Ban giám hiệu nhà trường.
Trường Tiểu học Gateway. |
Trong ngày gia đình tổ chức lễ an táng đầy đau đớn cho em tại quê nhà, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo do UBND quận Cầu Giấy tổ chức với sự tham gia của hàng trăm phóng viên. Đến với buổi họp báo, nhiều PV đã mang theo nhiều câu hỏi để nhằm sớm làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của em, đồng thời mong muốn làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong hệ thống nhân sự trường quốc tế Gateway.
Trong số ít câu hỏi được các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy trả lời đáng chú ý nhất là việc Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy Trần Văn Hóa cho biết, cháu L.H.L tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện đã vạch trần sự dối trá trong những dòng thông tin ít ỏi trong thông báo được trường quốc tế Gateway đưa ra trước đó khi thông tin rằng, bé trai bị ngất, sau khi được nhân viên y tế sơ cứu đã vào bệnh viện cấp cứu.
Một thông tin đáng chú ý khác được ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thông báo trong cuộc họp báo, đó chính là việc trong giấy phép thành lập trường Tiểu học quốc tế Gateway không có chữ “quốc tế”. Tên chính thức của trường trong quyết định thành lập là Trường Tiểu học Gateway. “Có thể để quảng bá, thu hút học sinh các trường có thêm chữ quốc tế, chứ theo điều luật không có trường quốc tế”, ông Phạm Ngọc Anh cho biết.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2019 - 2020 trường Gateway. |
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, không chỉ gắn mác “Quốc tế” để quảng bá khắp nơi thu hút học sinh, trường Tiểu học Gateway còn lọt top những trường phổ thông có mức phí cao nhất Hà Nội. Như web của Gateway đăng tải, học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 được niêm yết là 117.700.000 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt đưa đón và phí trông muộn.
Theo chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2019 - 2020 được trường Gateway đưa ra, các lớp học tại có diện tích 60m2 với số lượng 24 học sinh/lớp. Tại cơ sở Gateway - Hà Nội, khối 1 tuyển sinh 10 lớp, khối 2 - 6 lớp, khối 3 - 5 lớp, khối 4 - 3 lớp, khối 5 - 3 lớp, khối 6 - 3 lớp, khối 7 - 2 lớp, khối 8 - 2 lớp va khối 9 - 1 lớp.
Tại cơ sở Gateway - Hải Phòng, nhà trường đào tạo từ khối 1 đến 7, cụ thể: khối 1 tuyển sinh 6 lớp, khối 2 - 4 lớp, khối 3 - 2 lớp, khối 4 - 1 lớp, khối 5 - 1 lớp, khối 6 - 1 lớp, khối 7 - 1 lớp.
Theo anh Trương Tất Thành, Trưởng ban phụ huynh lớp 1 Tokyo - có cháu học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, thì đến thời điểm hiện nay, tổng sỹ số của lớp có 17 học sinh.
Như vậy, làm phép tính nhanh, chỉ riêng khối 1, cơ sở Gateway - Hà Nội có 10 lớp, mỗi lớp 24 học sinh và học phí 117tr/học sinh, thì nhà trường đang thu trên 28 tỷ đồng. Tương tự, cơ sở Gateway - Hải Phòng thu ở khối 1 khoảng 17 tỷ đồng. Tổng cộng, chỉ mỗi khối 1, trường Gateway có doanh thu thấp nhất 45 tỷ đồng, mà chưa bao gồm các khoản đóng góp khác.
Nếu giả định làm một phép nhân cho 51 lớp học từ khối 1 đến khối 9 ở cả hai cơ sở Gateway - Hà Nội và Hải Phòng thì riêng mức học phí (cứ cho là 117 triệu/học sinh), nhà trường thu gần 170 tỷ/năm chưa bao gồm các khoản phí học liệu, tiền ăn... và đây quả là con số quá lớn khi "kinh doanh giáo dục"?
Vấn đề được dư luận đặt câu hỏi là: Với con số thu từ phụ huynh học sinh lớn đến vậy, nhà trường đã chi phí như nào, lợi nhuận như nào, mà để rồi vẫn xảy ra tình trạng gây cái chết thương tâm của một cháu bé, rồi sau đó Gateway lại tiếp tục lấp liếm sai phạm, không thẳng thắn nhìn nhận những sự thật đã diễn ra?
Chắc hẳn đến thời điểm này, không chỉ bố mẹ em L.H.L hối hận khi cho con theo học trường Tiểu học Gateway, mà nhiều phụ huynh khác cũng cảm thấy hối hận khi cho con theo học trường đeo mác “tự phong” quốc tế này. Không ít gia đình vì muốn con em trở thành một học sinh toàn diện, am hiểu ngoại ngữ đã bỏ ra số tiền lớn hàng trăm triệu để cho con theo học những trường quốc tế từ khi chập chững đến trường để mong con được học trong môi trường chuyên nghiệp, bước tạo đà cho cánh cửa du học ra thế giới về sau. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều doanh nghiệp đã mở lớp, mở trường kinh doanh giáo dục gắn mác “quốc tế” dù tự phong như Gateway.
Trường hợp trường quốc tế tự phong mà hoạt động chuyên nghiệp, cơ sở vật chất khang trang, giáo viên có năng lực có tâm, có tầm, có đạo đức nhà giáo, thể hiện bằng trách nhiệm, bằng sự tận tụy, bằng việc quan tâm chu đáo, bằng tình yêu thương thật sự thì đã được xã hội chấp nhận, phụ huynh tin tưởng.
Tuy nhiên, như vụ việc một đứa trẻ bị bỏ quên, trường Gateway đã thể hiện những điều ngược lại, bằng sự lạnh lùng, vô cảm, tắc trách của cả một hệ thống nhân sự từ giáo viên cho đến ban giám hiệu nhà trường, dẫn đến hậu quả đau lòng, một học sinh ngày thứ 2 đến trường đã phải rời xa cõi tạm này mãi mãi.
“Nghe thấy có một bạn bị mất cho nên chắc tôi sẽ cho con nghỉ học dù có mất khoản tiền đã đóng hàng trăm triệu. Số tiền đấy cũng không thể đẻ, hoặc bù cho mình được đứa con khác” – lời chị Lê Thị Kim Cúc (trú tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho thấy niềm tin của phụ huynh vào ngôi trường quốc tế này đã không còn sau sự việc nhà trường bỏ quên học sinh trên xe bus.
Giống như nhiều phụ huynh khác, chị Cúc đã kỳ vọng vào trường học quốc tế Gateway về sự an toàn đầu tiên nên mới bỏ ra số tiền lớn cho con học. Tuy nhiên, đến nay chị nhận ra dù cơ sở vật chất của nhà trường có tốt nhưng năng lực giáo viên và năng lực quản lý quá kém không được như kỳ vọng. Khi chính con trai chị trong buổi đầu tiên đi học cũng gặp phải tình huống trớ trêu do sự tắc trách của nhà trường khi bản thân chị cũng nhận được thông báo của nhà trường là “không tìm thấy con đâu”.
Chị Phạm Thị Miên – một phụ huynh có con theo học tại trường quốc tế Gateway cho biết, sau khi nghe tin bé trai bị bỏ quên trên xe ô tô dẫn đến tử vong bản thân chị cùng nhiều phụ huynh rất đau lòng.
“Trách nhiệm nhà trường sau sự việc lần này rất lớn. Trường hợp con nằm trên xe cả ngày dẫn đến tử vong mà nhà trường cũng như người đưa đón không biết. Giáo viên chủ nhiệm cũng không báo phụ huynh con có đi học hay không là điều không thể chấp nhận được”, chị Miên nói.
Khác với những phụ huynh trên, chị M.H – một người dân sinh sống trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã không chọn con đường cho con theo học tại trường Quốc tế mà theo học tại trường công dù tài chính hoàn toàn đáp ứng cho con theo học ở các trường quốc tế.
“Con tôi học ở trường Tiểu học Nghĩa Tân, cô chủ nhiệm cập nhật chi tiết thông tin học sinh. Con đi học ăn không đủ, cô giáo nhắn tin. Con đi học muộn hoặc nghỉ học chưa kịp gọi điện thông báo thì đầu giờ cô giáo cũng nhắn tin. khi con đau bụng, cô giáo cũng nhắn tin. Con đau bụng hay khi làm bài chưa vững cô giáo cũng ngay lập tức nhắn tin. Trong khi đó học phí chỉ tầm 13,5 triệu/ năm học. Bởi vậy, tôi không hiểu vì sao trường quốc tế, thu mức phí cao ngất lại để xảy ra sự việc như thế. Giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường lại vô tâm như thế”, chị H. nói.
Liên quan đến vụ việc xảy ra tại trường Gateway, ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy ra Quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người và đang làm việc với những người có liên quan, củng cố tài liệu, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Rồi đây, những cá nhân sai phạm liên quan đến vụ việc trên dẫn đến cái chết oan khuất của một em học sinh sẽ phải chịu án phạt theo quy định của pháp luật. Nhưng vụ việc trên là minh chứng cho việc hoạt động giáo dục mà vô cảm, tắc trách, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, quên đi trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, tình yêu thương con trẻ thì sớm muộn cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sai sót, chí ít sẽ bị các phụ huynh, dư luận xã hội tẩy chay dù có đeo mác quốc tế như Gateway.
Chiều ngày 7/8, bé L.H.L (6 tuổi, học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway) – nạn nhân của vụ việc đau lòng bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong đã an nghỉ mãi mãi tại quê nội ở xã Nga Thanh (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Đau đớn thay, chuyến đi cuối cùng đưa em rời cõi tạm lại là chuyến hành trình đến trường đầy ác mộng khi em bị cả hệ thống nhân sự trường quốc tế Gateway “bỏ quên” suốt 9 tiếng đồng hồ trên xe bus.
Em đã rời xa cõi tạm nhưng nỗi đau với những người thân sẽ còn mãi và cũng còn mãi bài học đau xót để các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô, cũng là để những giáo viên, lãnh đạo trường quốc tế Gateway nhìn nhận sự tắc trách mà họ đã gây ra cho em để tự chấn chỉnh bản thân không còn những sự việc tương tự xảy ra với những học sinh khác.