Năm 1434, bức tranh "Chân dung Arnolfini" của họa sĩ người Hà Lan Jan van Eyck ra mắt gây hoang mang cho giới phê bình nghệ thuật đương thời. Tờ Artibus et Historiae gọi đây tác phẩm có tính biểu tượng phức tạp nhất của hội họa phương Tây, nó được mổ xẻ, phân tích nhiều hơn bất kỳ bức tranh nào trong lịch sử vì tầng tầng lớp lớp những chi tiết ẩn dụ trong tranh.
"Chân dung Arnolfini" được cho là bức vẽ thương nhân giàu có Giovanni di Nicolao Arnolfini và vợ của ông Costanza Trenta. Arnolfini chuyên kinh doanh vải vóc, thảm và những món đồ trang trí quý giá khác. Cặp đôi chung sống trong căn dinh thự nguy nga ở thành phố Bruges và không có con cái.
Cuộc sống sung túc của cặp vợ chồng đã được họa sĩ thể hiện bằng một loạt chi tiết từ lớn đến nhỏ trong tranh. Không chỉ vậy, bức tranh còn là một tấm "áp phích quảng cáo" hấp dẫn cho tất cả những mặt hàng mà Arnolfini đang kinh doanh.
Bức tranh "Chân dung Arnolfini" của họa sĩ người Hà Lan Jan van Eyck được hoàn thành năm 1434. Ảnh: Gennadii Saus i Segura
Điểm nổi bật đầu tiên được chú ý trong tranh là chiếc váy màu xanh lá của nàng Costanza. Người ta ước tính váy của nàng phải được may từ 35m len nhập khẩu từ Anh với mức giá đắt đỏ hơn cả vải lụa. Hai bên hông váy có trang trí những lớp vải cuộn tinh xảo. Thế nhưng điểm "tốn tiền" nhất của thiết kế này lại là cường độ của màu xanh lá trên váy.
Ở thế kỷ 15, nhuộm len vẫn là công đoạn khó khăn và tốn kém. Để có được màu xanh đậm đồng nhất trên váy, các thợ nhuộm bậc thầy cũng phải mất nhiều tuần liền sử dụng thực vật, thảo mộc và những nguyên liệu đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài.
Vợ chồng Arnolfini dù giàu có đến đâu cũng chỉ thuộc tầng lớp thương nhân, không có dòng máu hoàng gia nên chỉ sử dụng vải vóc đắt tiền, không dám đeo nhiều trang sức vàng tinh xảo. Tư thế vén váy nhẹ nhàng để lộ thêm lớp lót lông và mảnh vải màu xanh lam là cách Costanza thể hiện đẳng cấp của mình nhưng vẫn không quá khoe mẽ.
Trang phục của chồng cô, Arnolfini, tuy đơn giản hơn nhưng cũng thời thượng không kém. Chiếc mũ rơm đen trên đầu Arnolfini được nhập khẩu từ Ý và nhuộm đen để phù hợp với trang phục. Tẩm áo da ước tính làm từ da 100 con chồn thông từ Nga.
Hai đôi giày xuất hiện trong khung hình không phải tình cờ. Ảnh: Gennadii Saus i Segura
Hai đôi giày được xếp đặt gần như vô ý trên sàn nhà cũng là một cách thể hiện sự giàu sang tinh tế của đôi vợ chồng này. Cả hai đều sở hữu những đôi giày đi trên bùn đắt tiền được ví như Jimmy Choo trong thời đại ngày nay. Quả cam được xếp đặt trên cửa sổ cũng không phải ngẫu nhiên, cam là trái cây nhập khẩu vào Bruges và chỉ những đại gia lừng lẫy mới có thể ăn loại quả này.
Chiếc giường ở bên tay phải cặp đôi khiến nhiều người lầm tưởng đây là phòng ngủ của nhà Arnolfini. Song đây thực sự là phòng khách. Điều này thể hiện qua chiếc gương cầu lồi nhỏ giữa bức tranh đang phản chiếu hình ảnh hai vị khách đến thăm nhà. Chiếc giường được đặt giữa phòng khách không phải để ngủ, nó đơn thuần là vật trang trí để thể hiện sự giàu sang của gia chủ. Điều này vô cùng phổ biến với tầng lớp thượng lưu cùng thời.
Những quả cam được khéo léo xếp đặt bên bệ cửa sổ. Ảnh: Gennadii Saus i Segura
Ga trải giường, rèm, thảm hay chuỗi hạt trang trí bên cạnh tấm gương đều là những món đồ tinh xảo được chính Arnolfini kinh doanh. Chúng được đưa vào như một hình thức quảng cáo cho sản phẩm của ông.
Giới phê bình từng tốn nhiều giấy mực để phân tích về sự hào nhoáng của bức "Chân dung Arnolfini", họ còn trăn trở hơn nữa khi nói đến sự thật về cặp đôi trong tranh. Đây không phải một cặp vợ chồng bình thường, cũng không phải một cặp đôi thuê họa sĩ để vẽ tranh khoe sự giàu sang.
"Chân dung Arnolfini" được vẽ năm 1434 trong khi nàng Costanza đã qua đời năm 1433, 1 năm trước đó.Các học giả cho rằng tác phẩm này thực chất là một bức tranh tưởng nhớ người vợ đã khuất của một người đàn ông.
Chỉ có một ngọn nến còn sáng trên chiếc đèn chùm. Ảnh: Gennadii Saus i Segura
Manh mối về cái chết của nàng Costanza được giấu trên trong chiếc đèn chùm tinh xảo trên trần. Chiếc đèn có tới 4 chỗ cắm nến nhưng chỉ có duy nhất một cây nến còn ánh lửa. Ngọn nến vẫn cháy ở phía Arnolfini, ngọn nến đã cháy hết ở phía Costanza. Đây là biểu trưng cho sự chia lìa, cách biệt của đôi tình nhân.
Mười hình tròn bằng đồng bao quanh chiếc gương khắc những hình ảnh trong Kinh thánh với ngụ ý về cái chết. Bộ trang phục của Arnolfini chỉ có một màu đen tang thương. Hay chú chó Brussels Griffon dưới chân người vợ cũng là biểu tượng của lòng trung thành và sự thủy chung, nó thường xuất hiện dưới hình hài những bức tượng trên mộ của phụ nữ thời trung cổ.
Cái nắm tay ngập ngừng của Arnolfini. Ảnh: Gennadii Saus i Segura
Chi tiết ấn tượng cuối cùng và ấn tượng nhất của bức tranh này chính là cái nắm tay của Arnolfini và vợ. Cái nắm tay của ông ngập ngừng như thể biết người vợ thân yêu sắp tuột khỏi tay mình. Arnolfini đã đưa vợ trở về trong một hình hài bất tử, khi cô là người phụ nữ xinh đẹp, sung túc trong một tác phẩm hội họa trường tồn với thời gian.