Bức hoạ "Đồng tử lễ Phật đồ" của hoạ sĩ Trần Hồng Thụ được sáng tác vào thời nhà Minh với kích thước chiều dài là 150cm và chiều rộng 67,3cm.
Bức "Đồng tử lễ Phật đồ" mô tả bốn đứa trẻ ngồi trước bảo tháp để bái Phật. Trong tranh, một tượng Phật được được chạm khắc tinh xảo đặt trên phiến đá Thái Hồ (loại đá ở Thái Hồ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, thường dùng làm hòn non bộ). Sau tượng Phật là một bảo tháp làm bằng đồng.
Bức "Đồng tử lễ Phật đồ" của họa sĩ Trần Hồng Thụ thời nhà Minh. Hình ảnh: Baijiahao
Trước tượng Phật, ba em cúi đầu bái Phật, trong đó một em dâng hoa, hai em quỳ xuống, còn một em khác đang lau tháp đồng. Mỗi một cậu tiểu đồng tử lại được phác hoạ theo một nét riêng, có nét nghịch ngợm và cũng có vẻ trang nghiêm.
Đá Thái Hồ trong bức tranh này được vẽ bằng bút lông dày hơn, đường viền chủ yếu là hình vòng cung, sắc nét và thẳng.
Khi phóng to 5 lần, nếu không quan sát kỹ thì có lẽ người xem sẽ chỉ nhìn thấy cậu tiểu đồng tử đang quỳ gối dâng hoa trước tượng Phật. Ấy vậy mà có một cặp mông…trắng ngần "lấp ló" phía sau lưng cậu tiểu đồng tử đang dâng hoa.
Đến đây hẳn người xem ai cũng phải bất ngờ trước cậu tiểu đồng tử phía sau đó. Hoá ra cậu bé này lễ Phật thành tâm đến độ đầu chúc xuống đất không nhìn thấy mắt mũi đâu còn bên dưới thì quần tụt lộ cả… cặp mông của mình.
Chi tiết vừa đỏ mặt vừa buồn cười của cậu tiểu đồng tử. Hình ảnh: Baijiahao
Chi tiết này vừa khiến người xem đỏ mặt lại vừa buồn cười bởi sự thành tâm nhưng không kém phần tinh nghịch của cậu tiểu đồng tử. Điều này cho thấy cả sự thú vị trong ngòi bút của hoạ sĩ Trần Hồng Thụ.
Cư dân mạng Trung Quốc đã để lại không ít những bình luận hài hước: "Cậu tiểu đồng tử này đáng yêu quá!", "Ôi! Ngại thế" hay "Bái phục cậu bé này quá đi, sao có thể thành tâm được đến thế chứ!".
Có lẽ chính nét đáng yêu ngộ nghĩnh này của cậu tiểu đồng tử đã khiến cả bức tranh thêm tươi sáng bên cạnh vẻ trang nghiêm chốn cửa Phật. Bởi dù gì thì con trẻ cũng vẫn còn rất ngây thơ, hồn nhiên và tinh nghịch.
Bức "Đồng tử lễ Phật đồ" của hoạ sĩ Trần Hồng Thụ quả thực đã đóng góp một nét mới lạ đầy thú vị trong dòng tranh "bái Phật" của giới nghệ thuật hội hoạ Trung Hoa.