Ảnh minh họa. |
Bạn đọc Đào Ngọc Hải, Minh Khai, Hà Nội hỏi: Đặt đôi sư tử đá hay đôi đại bàng trước cửa nhà có phải xem phong thủy không? Ý nghĩa phong thủy của các hình tượng này là gì, đặc biệt là sư tử đá? Trường hợp nào có thể đặt được, trường hợp nào không, hay phù hợp với tuổi thế nào?
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, Công ty Cổ phần Nhà Xuân: Sư tử là một trong linh vật được sử dụng phổ biến hiện nay. Trong tự nhiên, sư tử được coi là chúa sơn lâm nên hình tượng sư tử luôn tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh của muôn loài.
Vì vậy, trong phong thủy, sư tử thường đặt ở những công trình tâm linh và dùng để hóa giải những nơi nhiều sát khí, thể hiện uy quyền của chủ nhân. Tuy nhiên, sư tử vốn có nguồn gốc từ văn minh Trung Hoa nên cân nhắc khi sử dụng. Không phải nơi nào cũng được đặt sư tử và nên lựa chọn kiểu dáng cho phù hợp với từng công trình, nhất là cần xem xét cho phù hợp với kiến trúc và văn hóa Việt Nam.
Nhà ở nếu không gặp nhiều sát khí thì không cần thiết phải đặt sư tử trấn yểm. Những cơ quan công quyền không nên đặt sư tử trước cửa vì sẽ tạo cảm giác không thân thiện đối với người dân khi bước vào cửa. Trường hợp nhà bị hung khí chiếu tới như đối diện với cửa nhà khác hay bị ngã ba ngã tư, đường vòng, hoặc góc nhọn chiếu vào cửa nhà thì có thể dùng sư tử. Tuy nhiên, không nên đặt những con có kích thước quá lớn, tạo hình dữ dằn. Khi đặt sư tử nên sử dụng cả đôi. Con đực nên nằm bên Thanh Long tức là phía bên trái nhà nhìn ra. Con cái đặt bên tay phải chính là bên Bạch Hổ.
Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng con Nghê khá gần gũi và cũng có tác dụng trấn yểm tương tự như sư tử. Vì vậy, nên khuyến khích sử dụng để thay thế sư tử trong các công trình tâm linh cũng như dân dụng là phù hợp với người Việt.