"Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không có chỗ cho sự hung hăng. Để tôi nói rõ, chiến lược của chúng tôi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không loại trừ bất cứ quốc gia nào ra khỏi khu vực này. Nó chỉ yêu cầu các quốc gia tôn trọng láng giềng, tôn trọng chủ quyền của nhau cũng như luật pháp và trật tự quốc tế" – Phó Tổng thống Mỹ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Singapore.
Ông Pence còn tuyên bố rằng Mỹ tiếp tục cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không trong lúc nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là "kiên định và lâu dài". Cũng theo ông Pence, Mỹ xem ASEAN là trung tâm chiến lược của Mỹ trong khu vực và là "một đối tác chiến lược không thể thiếu, không thể thay thế".
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "không có chỗ cho sự hung hăng". Ảnh: Reuters |
"Mỹ muốn tìm kiếm sự hợp tác, không phải kiểm soát. Cũng như ASEAN, Mỹ muốn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là nơi để mọi quốc gia, dù lớn hay bé, đều có thể phát triển, thịnh vượng, bảo đảm chủ quyền và phát triển mạnh mẽ cùng nhau" – ông Pence nói thêm.
Ông Pence đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn gay gắt về vấn đề biển Đông.
Trước đó, ông Pence khẳng định Washington tiếp tục cam kết về một khu vực biển Đông mở và tự do và sẽ không bị đe dọa bởi Trung Quốc. Trong lúc di chuyển từ Tokyo đến Singapore để tham dự thượng đỉnh ASEAN, máy bay chở Phó Tổng thống Pence đã bay cách các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 50 km để thực hiện điều mà ông mô tả là "một dạng chiến dịch tự do hàng hải".
"Chúng tôi sẽ không bị đe dọa. Chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải" – ông Pence tuyên bố.
Mỹ đã thực hiện hành loạt chiến dịch tự do hàng hải tại khu vực tranh chấp biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại đây.
Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền 90% biển Đông, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp trong khu vực bất chấp bị cộng đồng quốc tế phản đối.