Nêu ý kiến với các đại biểu, cử tri Đoàn Mạnh Hùng nói tại sao người dân ồ ạt về quê? Là do không đủ điều kiện sống thì họ về, với họ “quê hương là chùm khế ngọt”, gia đình là nơi họ tìm về khi gặp khốn khó… Do đó, ông Hùng kiến nghị chính quyền cần tạo điều kiện chứ không nên ngăn cản.
Trao đổi vấn đề này, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, đúng như cử tri nói, qua 4 tháng giãn cách, một bộ phận người dân khó khăn thực sự.
“Tối 30/9, tôi trực tiếp có mặt ở Bình Chánh, thấy rằng số bà con đang tập trung về quê thực sự gặp khó khăn. Dù chính quyền các cấp, các ngành…có sự tương trợ, nhưng cũng chỉ một phần nào đó, đa số họ là lao động tự do nên rất khó khăn trong cuộc sống”, ông Quang cho biết.
Theo ông, qua tìm hiểu, đây là số bà con gặp khó khăn, chỉ còn giải pháp là về quê, nên không thể ngăn cản mà phải tạo điều kiện tối đa. Không chỉ ở TP.HCM, các tỉnh xung quanh cũng có bà con về rất đông, nhất là cụm Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân.
Ông Quang cũng cho hay, dù mấy ngày qua tình hình bà con về quê có giảm, nhưng cũng phải thấy rằng, bà con bức bách quá mới chọn giải pháp về quê. Do đó, qua chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo TP.HCM, Công an TP cũng như các ban, ngành đã cố gắng phối hợp với các địa phương để tổ chức cho bà con về quê trật tự, an toàn. Chứ về tự phát thì vừa nguy hiểm vừa không an toàn với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, TP sẽ cố gắng bằng các chính sách để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục ở lại TP làm việc. Vì hiện nay, TP đang từng bước mở cửa các hoạt động kinh tế, sự thiếu hụt nguồn lao động rất nhiều.
“Bà con cử tri trong điều kiện của mình cũng cố gắng vận động người dân ở lại, chia sẻ với TP, để khi TP trở lại trạng thái bình thường mới cùng nhau góp phần phục hồi kinh tế”, ông Quang kêu gọi.
Cũng vấn đề này, đại biểu Trần Kim Yến (Bí thư quận 1) cho biết, người dân tự phát về quê đang gây khó khăn cho các tỉnh, thành khác, có thể vô tình đem dịch bệnh về cho địa phương đó.
Chính vì vậy, TP đã tổ chức công tác phối hợp làm sao cho người dân về an toàn.
“Theo tôi được biết, số người dân đăng ký thì ít mà tự phát đi về thì nhiều, gây khó khăn cho công tác tổ chức”. Qua đó, bà Yến khuyên người dân cố gắng đăng ký về quê có tổ chức, để được bảo đảm an toàn cho chính bản thân và cộng đồng.
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM: Bà con bức bách lắm mới chọn giải pháp về quê |
Tội phạm gia tăng khi nới lỏng giãn cách
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, sau khi TP.HCM nới lỏng một số hoạt động, tình hình tội phạm có sự gia tăng.
Theo ông, hiện lượng người ra đường rất đông, kéo theo tội phạm cướp giật, tín dụng đen và cả tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo về vật tư y tế cũng tăng…
“Công an TP đã nhận diện, chủ động xây dựng và triển khai việc ra quân trấn áp tội phạm, đưa vào diện trọng điểm những loại tội phạm gia tăng khi nới lỏng giãn cách, để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân”, ông Quang khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi đồng bào cử tri hết sức cảnh giác, vì một thời gian giãn cách dài, khi mở cửa thì tội phạm sẽ hoạt động mạnh.
Ngoài các vấn đề trên, cử tri ba quận cũng yêu cầu các đại biểu có ý kiến với Quốc hội về việc xem xét lại các luật, quy định trong việc làm từ thiện của các tổ chức, cá nhân.
Theo cử tri Hoàng Tuấn (quận Bình Thạnh), thời gian qua, có nhiều chuyện lùm xùm về việc các nghệ sĩ tự phát quyên góp từ thiện. Ông cho rằng, việc tổ chức này mang tính tự phát, cá nhân…nên lộn xộn.
Do đó, ông đề nghị Tổ đại biểu Quốc hội có ý kiến với Quốc hội cần rà soát lại các luật lệ liên quan đến nghệ sĩ, liên quan đến việc làm từ thiện xem có sơ hở ở đâu?
“Có thể yêu cầu nghệ sĩ khi quyên góp phải xin phép, không đưa tiền quyên góp vào tài khoản cá nhân…Cần siết chặt lại việc làm từ thiện của tổ chức, cá nhân để tránh những việc không hay xảy ra”, cử tri Tuấn đề nghị.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến để nêu vấn đề trong các kỳ họp Quốc hội sắp tới. Ông cho rằng, việc xem xét, sửa đổi luật trong về từ thiện là cần thiết, để tạo điều kiện cho công tác thiện nguyện phù hợp hơn, tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra.
“Liên quan đến hoạt động đóng góp thiện nguyện, Chính phủ đã ban hành các quy định từ năm 2018. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn”, ông Hiển cho hay.
Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Quang thì cho biết thêm, vấn đề làm từ thiện đúng là hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, dẫn đến có vấn đề phát sinh.
Ông cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo và Công an TP.HCM đang rà soát việc làm từ thiện mà dư luận phản ánh thời gian qua, trong đó có nghệ sĩ làm từ thiện. Các cơ quan chức năng đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đúng quy định.